1. Sự phát triển tâm lý của trẻ 2 tuổi
Lên 2 tuổi, cha mẹ có thể dễ dàng quan sát được những thay đổi to lớn về thể chất, tâm lý, cảm xúc… của trẻ, đặc biệt là tâm lý.
Về ngôn ngữ
Lúc này, trẻ hầu như đã có thể nói được những câu dài hơn khoảng 2 – 3 từ, bắt đầu khám phá ngôn ngữ bằng cách quan sát người lớn nói chuyện và bắt chước theo. Đồng thời, trẻ rất thích được giao tiếp với bố mẹ và mọi người xung quanh.
Về nhận thức
Trẻ lên 2 đã nhận thức được những sự việc diễn ra xung quanh cũng như đủ nhạy cảm để biết được những phản ứng, thái độ khác nhau của người lớn.
Bé cũng sẽ thấy buồn khi bị mắng, chê trách và ngược lại, thấy vui và hứng khởi khi được khen, nên cha mẹ đừng tiếc những lời động viên cho bé khi lên 2 nhé.
Về trí tưởng tượng
Cha mẹ nên đọc nhiều sách, kể chuyện hoặc chơi các trò chơi nhập vai khi bé lên 2 bởi lúc này, trí tưởng tượng của trẻ đã có sự phát triển rất lớn, giúp bé có khả năng nhập vai vào câu truyện chứ không đơn giản là bắt chước hành động như trước nữa.
Về ý chí quyết tâm
Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi thấy bé dành rất nhiều thời gian để hoàn thành trò chơi ghép hình hoặc cố gắng thực hiện xong nhiệm vụ nào đó được giao, những lúc như vậy không nên ngăn cản bé.
Bên cạnh đó, bé cũng đã biết thể hiện cảm xúc cá nhân thông qua giận dữ, giận dỗi, làm nũng… để người lớn đáp ứng mong muốn của mình. Vậy nên, trong giai đoạn này cha mẹ không nên quá cưng chiều bé vì sẽ rất dễ hình thành thói quen xấu trong tương lai.
Ngoài những thay đổi về tâm lý trên, trẻ lên 2 cũng đã bắt đầu biết quan tâm đến người khác và tập thể, thông qua việc hào hứng vui chơi , giúp đỡ các bạn cùng tuổi, không còn thích chơi một mình nữa. Trẻ cũng rất thích khám phá thế giới xung quanh, nhất là các hiện tượng tự nhiên như mưa, nắng, gió…
Chính vì vậy, cha mẹ nên dành thời gian nhiều hơn để quan tâm đến trẻ trong giai đoạn lên 2 này, giúp trẻ có nền tảng nhận thức tốt nhất, phát triển tâm lý toàn diện.
2. Các vấn đề tâm lý trẻ 2 tuổi bắt đầu đi học
Lo lắng và sợ hãi
Tâm lý trẻ 2 tuổi bắt đầu đi học sẽ là sợ hãi và lo lắng. Theo Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc Unicef, nỗi sợ đặc trưng trong tâm lý của trẻ 2 tuổi khi trẻ bắt đi học là nỗi sợ lo âu chia ly (separation anxiety). Cụ thể, bé lo lắng và sợ hãi khi phải rời xa cha mẹ, người thân để đến môi trường hoàn toàn xa lạ, khác biệt.
Biểu hiện khi bé lo lắng và sợ hãi:
- Trẻ khóc nhiều hơn sau khi ngủ dậy, không muốn dậy mà cứ nằm khóc trên giường
- Trẻ “bám dính” cha mẹ không muốn rời
- Khóc khi không nhìn thấy cha mẹ trong tầm mắt
- Khóc hoặc níu kéo khi đến lớp
- Trẻ không chịu đi ngủ, ngủ không ngon giấc, hay giật mình quấy khóc… khi không có cha mẹ hoặc người chăm sóc bên cạnh
Theo các chuyên gia chia sẻ, xét về mặt tâm lý, việc trẻ trong độ tuổi lên 2 cảm thấy lo lắng khi phải rời xa cha mẹ là điều hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu, cha mẹ không nên quát mắng mà nên tìm cách để hiểu cũng như xoa dịu tâm lý trẻ.
Giận dỗi thường xuyên
Khi không được đáp ứng mong muốn, bé sẽ giận dỗi. Nhiều cha mẹ thậm chí không hiểu bé muốn gì để đáp ứng, trên thực tế ở độ tuổi lên 2, nhiều trẻ vẫn chưa có khả năng kiểm soát ham muốn của mình (delayed gratification), đây là khả năng chống lại sự cám dỗ của thú vui tức thời với hy vọng đạt được phần thưởng trong lâu dài.
Đặc biệt, khi bắt đầu đi học, nhu cầu được cha mẹ đáp ứng mong muốn càng nhiều hơn khiến bé giận dữ, ăn vạ, làm hờn… khi cha mẹ không hiểu bé muốn gì.
Thái độ chống đối
Lên 2, tâm lý của trẻ chưa hoàn thiện nên chưa có đủ khả năng để kiểm soát cảm xúc của mình, thường hay phản ứng quá mức trước những sự việc xung quanh, hay nhiều cha mẹ còn gọi là “khủng hoảng tuổi lên 2”.
Khi bắt đầu đi học, trẻ chưa quen với môi trường mới, sự lo lắng, sợ hãi sẽ khiến trẻ bùng nổ cảm xúc – thực tế đây là cách để bé đối mặt với khó khăn mà bản thân đang gặp phải. Do đó, cha mẹ hãy bình tĩnh, kiên nhẫn với bé hơn khi thấy bé khóc to, ăn vạ, ném đồ vật…
Muốn tự ra quyết định
Trẻ 2 tuổi thường muốn tự ra quyết định khi bắt đầu đi học như tự chọn quần áo, tự đeo ba lô… cha mẹ không cần quá lo lắng hoặc ngăn cản bé, bởi bé đang học cách để tự lập hơn trong cuộc sống của mình.
Thay vì ngăn cản, cha mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất để bé được tự quyết định mọi thứ trong cuộc sống của mình, đừng nên việc gì cũng quyết định thay bé.
Nói “không” với mọi thứ
Cha mẹ quan sát sẽ thấy bé rất thích nói từ “không” khi lên 2, theo chuyên gia đây cũng là một trong những giai đoạn phát triển của bé, là các để bé thách thức giới hạn chịu đựng của người thân.
Ngoài những vấn đề trên, trẻ 2 tuổi bắt đầu đi học còn gặp các vấn đề khác như:
- Lười ăn, nôn ói, bỏ ăn, từ chối những món ăn yêu thích
- Khó ngủ, sợ phải đi ngủ, ngủ không ngon giấc, hay giật mình, khóc đêm, mộng du,..
- Nhút nhát, sợ đi đến nơi đông người...
- Gặp các vấn đề rối loạn ngôn ngữ như ít nói, chậm nói, nói lắp...
- Giận dỗi không nói chuyện với cha mẹ hoặc người thân đến đón khi về
Trên đây là những dấu hiệu phổ biến và thường gặp ở hầu hết các trẻ khi bắt đầu đi học, đến trường, thay đổi môi trường sinh hoat… Cha mẹ cần nắm bắt tâm lý của trẻ lên 2 khi đi học để từ đó biết cách đồng hành cùng bé vượt qua giai đoạn này.
3. Những cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ đến trường
Không phải trẻ nào cũng sợ phải đến trường, bởi có những trẻ dễ dàng thích nghi với những môi trường mới và cảm thấy vô cùng thích thú mỗi khi được cha mẹ đưa đi học.
Với trẻ dễ thích nghi:
- Đồng ý theo các cô hoặc 1 cô cụ thể để chơi và học
- Khóc khi cha mẹ gửi và dễ dàng nín khóc sau đó khi được cô dỗ dành hoặc đưa đồ chơi
- Đồng ý chơi với các bạn, tham gia hoạt động tập thể
- Thích giữ riêng một món đồ chơi nhất định
- Tò mò, khám phá không gian lớp học hoặc xung quanh khi được cô cho xuống sân chơi
- Chịu ăn thức ăn ở trường
- Không muốn đi ngủ nhưng được cô dỗ dành vẫn đồng ý nằm xuống giường với điều kiện cô ngồi bên cạnh
- Hợp tác với những việc cô giao như cầm trống, làm nhiệm vụ…
Với trẻ khó thích nghi, khi đến trường trẻ sẽ:
- Khóc lóc, dãy dụa, cào cấu và đẩy cô giáo ra, không muốn cô bé hoặc lại gần
- Lăn ra sàn lớp ăn vạ, đập tay chân, đôi khi đập đầu xuống sàn lớp
- Khóc rất to, luôn miệng gọi mẹ hoặc người thân
- Không quan tâm hoặc quăng ném đồ chơi khi được cô đưa
- Chơi đồ chơi nhưng vẫn khóc, chỉ chơi được một lúc rồi chán và khóc tiếp
- Không hợp tác trong việc ăn uống, từ chối bất cứ loại thức ăn nào cô đưa
- Chỉ uống sữa nhưng sữa trong bình hoặc hộp sữa mà bé thường uống
- Không chịu ngủ dù rất mệt
- Không theo cô đi bất cứ đâu, chỉ ngồi ở cửa chờ người thân đến đón về
Khi thấy trẻ có biểu hiện khó thích nghi với môi trường mới, cha mẹ có thể áp dụng những cách cho trẻ đi học không khóc dưới đây để đồng hành cùng bé vượt qua nỗi sợ đến trường:
- Áp dụng giờ giấc sinh hoạt cho trẻ như ở trường trong thời gian chuẩn bị đi học và những ngày nghỉ, việc này giúp trẻ dễ làm quen hơn và không bị xa lạ khi đi học.
- Mua và cho bé đồ dùng sinh hoạt ở nhà giống như ở trường như muỗng (thìa), chén, cốc, ghế ngồi, gối, đệm…
- Tạo cho trẻ thú vui đi học như trò chuyện cùng trẻ về niềm vui ở trường, những trò chơi, mối quan hệ với cô giáo và các bạn…
- Cho bé giao tiếp với người lạ nhiều hơn, tăng khả năng tự tin khi tiếp xúc với người khác
- Cùng bé tham quan, vui chơi ở trường trước khi đi học
- Tham gia buổi học đầu tiên cùng con ở trường
- Đưa bé đi học và đón về đúng giờ, không đón trễ và đặc biệt không lấp ló xung quanh để quan sát bé trong giờ học, vì nếu vô tình thấy cha mẹ, bé sẽ luôn tìm kiếm và có thể khóc không ngừng
- Dành thời gian để trao đổi với cô giáo về thói quen, sở thích, nỗi sợ hãi… của trẻ
- Kiên nhẫn với trẻ trong thời gian đầu đến trường, không quát mắt hay hù dọa trẻ
Ngoài những việc trên, trẻ khi bắt đầu đến trường thường hay ốm vặt do độ tuổi lên 2, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện cộng với thay đổi môi trường, tiếp xúc với nhiều nguy cơ bệnh hơn khiến trẻ dễ bị vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh.
Chính vì thế, tăng đề kháng cho trẻ cũng là một trong những cách để đồng hành cùng trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn khi mới đi học, hạn chế ốm vặt, giúp trẻ nhanh chóng làm quen với môi trường mới.