1 . Vì sao phải giữ vệ sinh thân thể ?
- Da là phần bao bọc bên ngoài cơ thể con người, cónhiệm vụ bảo vệ cơ thể, ngăn chặn sự xâm nhập của vi trùng .
- Da của trẻ mỏng, mềm, nhiều mạch máu, dễ bị tổn thương. Nếu không giữ cho da luôn sạch, trẻ có thể bị bệnh ngoài da như ghẻ, trốc, mụn, nhọt…
2 . Một số gợi ý về giáo dục vệ sinh thân thể cho trẻ mầm non
2.1 . Giáo dục vệ sinh thân thể cho trẻ mầm non khi nào ?
- giáo dục vệ sinh thân thể cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, trong những hoàn cảnh thích hợp như :trẻ rửa tay (khi tay bẩn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…), rửa mặt ( khi ngủ dậy, lúc mặt bị bẩn, trước lúc ăn…), tắm, mặc quần áo…
- nên dành thời gian nói chuyện với trẻ về những việc tốt trẻ đã làm. Thông qua đó giảng giải, thuyết phục trẻ thực hiện những việc trẻ còn ngại như : rửa mặt , tắm, đi guốc dép…; cần có kế hoạch trong việc hướng dẫn trẻ thực hành các thao tác vệ sinh, tránh tình trạng được chăng hay chớ, làm gì, làm thế nào cũng được.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc rèn cho trẻ thói quen vệ sinh da. Ví dụ: nếu trường mẫu giáo đang tập trung hướng dẫn trẻ cách rửa tay thì về nhà cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ nhiều hơn về nội dung đó, chẳng hạn hỏi trẻ : hãy kể cho mẹ nghe ở lớp con thường rửa tay vào những lúc nào ? vì sao phải rửa tay ? rửa tay thế nào? Con hãy rửa cho mẹ xem nào ! …
2.2 . Hướng dẫn cách giáo dục trẻ về vệ sinh chăm sóc thân thể
- thông qua bài hát, truyện kể, bài thơ, câu đố , tranh ảnh, hay những câu chuyện thường xảy ra quanh trẻ, giáo viên hoặc cha mẹ giúp trẻ hiểu được lợi ích của việc trẻ làm.
Ví dụ : rửa tay để tay sạch, đẹp ;nếu tay bẩn đưa nên mắt sẽ bị đau mắt ; cho vào miệng sẽ đưa vi trùng và giun sán vào bụng, sẽ bị đau bụng, ỉa chảy… rửa mặt để da mặt sạch , mặt sẽ xinh hơn …
- Nhà trường và gia đình cần có đủ đồ dùng đảm bảo việc chăm sóc vệ sinh cho trẻ ; phương tiện, đồ dùng nên để ở nơi quy định, thuận tiện và đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng. người nuôi dạy trẻ có thể chỉ cho trẻ chỗ để trẻ để đồ dùng, dạy trẻ gọi tên và hướng dẫn trẻ cách sử dụng.
Ví dụ: gáo để múc nước; chậu để đựng nước; khăn để lau mặt…
- Để rèn thói quen tốt cho trẻ, nên nhắc trẻ: sau khi sử dụng xong các đồ dùng cần để đúng nơi quy định.
- Khi hướng dẫn trẻ thực hiện vệ sinh, chăm sóc da cần giảng giải cho trẻ hiểu vì sao phải làm như vậy.
Ví dụ : vì sao phải rửa tay bằng xà phòng? ( để tẩy sạch các loại bẩn bám trên bề mặt da ).
Vì sao phải rửa kĩ lòng bàn tay, kẽ ngón tay ?( vì đó là nơi bẩn nhất trên tay) .
- Ban đầu, giáo viên hoặc cha mẹ có thể làm mẫu cho trẻ xem, sau đó hướng dẫn trẻ thực hành . khi trẻ đã quen, nên giảm dần sự giúp đỡ đối với trẻ, tiến tới cho trẻ tự làm hoàn toàn. Tuy nhiên người lớn cần quan sát để động viên kịp thời khi trẻ làm tốt, giúp trẻ sửa những động tác chưa đúng bằng lời nói nhẹ nhàng, tình cảm.
- Giáo viên cần nhấn mạnh những điểm cần lưu ý để trẻ nhớ lâu và thực hiện tốt trong khi thực hành.
Ví dụ : khi rửa mặt, con nhớ rửa mắt trước tiên. Dịch chuyển khăn để mặt được tiếp xúc với phần khăn sạch .
- Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, nhút nhát, chậm chạp, cần dành thời gian trò chuyện, giúp đỡ trẻ hiểu hơn, không nên để trẻ phải quá cố so với sức của mình.
- Để rèn luyện, hình thành thói quen ở trẻ, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, thống nhất về nội dung, phương pháp hướng dẫn trẻ vệ sinh, chăm sóc thân thể, tránh tình trạng nhà trường nói một cách, gia đình lại hướng dẫn một cách khác, hoặc không thống nhất về nội dung và động tác giữa các lần hướng dẫn khiến trẻ lung túng.
Ví dụ : các bước rửa tay bằng xà phòng.
3 . Rèn thói quen cho trẻ
Có nhiều kĩ năng thực hành giữ gìn vệ sinh thân thể, cần phải kiên trì hướng dẫn cho trẻ để hình thành thói quen hằng ngày như: rửa tay, rửa mặt, mặc quần áo phù hợp với thời tiết, chải răng, chải tóc, đi guốc dép, thói quen vệ sinh ăn uống…vấn đề cơ bản là tạo cho trẻ môi trường để trẻ luôn được thực hành và ghi nhớ những điều đã học.
Ví dụ:
Muốn hình thành thói quen giữ tay, chân, mặt, mũi luôn sạch, bên cạnh việc hướng dẫn trẻ thực hành, cần có đủ điều kiện để trẻ tự làm như có đủ nước sạch để rửa tay, rửa chân ; có đầy đủ nước, vòi nước, có chậu, khăn lau…
Giáo viên có thể cho trẻ vẽ về những công việc trẻ yêu thích, tổ chức triển lãm những sản phẩm của trẻ, đọc thơ hoặc cho trẻ nghe, dạy đọc thơ.
Nhà trường cần phối hợp với gia đình để hình thành thói quen thực hành vệ sinh ở trẻ. Gia đình có vai trò vô cùng to lớn trong việc chăm sóc, giáo dục, tạo cho trẻ thói quen giữ vệ sinh da. Do đó, người lớn phải làm gương cho trẻ, giúp trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, từ đó trẻ sẽ tiếp thu và hình thành được những thói quen cần thiết trong cuộc sống.