Đề tài: Sự kỳ diệu của nam châm
Chủ đề: Tái chế
Lĩnh vực: Phát triển nhận thức
Độ tuổi: 4 tuổi
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1. Khoa học (S): Trẻ biết tên gọi, đặc tính hút của nam châm: hút các vật có hợp chất của sắt trực tiếp và qua vật cản.
2. Công nghệ (T): Trẻ biết sử dụng đồ dùng, dụng cụ trong quá trình khám phá nam châm như: nam châm, kẹp giấy, thìa inoc, tờ giấy, vải, gỗ…
3. Kỹ Thuật (E): Trẻ biết và nhớ cách làm thí nghiệm; có kĩ năng phân loại đồ dùng, kỹ năng hợp tác nhóm và chia sẻ.
4. Nghệ thuật (A): Trẻ cảm nhận sự kỳ diệu của lực hút nam châm
5. Toán học (M): Trẻ đếm số lượng, phân loại các đồ vật
- Ngôn ngữ: Trẻ nghe hiểu, biểu đạt và chia sẻ kết quả thí nghiệm
- Kỹ năng 4C: Giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, tư duy phản biện.
II. CHUẨN BỊ:
- Nam châm của cô, 2 thìa;
- Nam châm đủ cho trẻ. Rổ ký hiệu nam châm hút, rổ ký hiệu nam châm không hút, Các nguyên vật liệu: Gỗ, hộp giấy, thìa nhựa, kẹp giấy, chìa khóa…bảng nam châm;
- Miếng vải, tờ giấy, quyển sách, miếng xốp, bảng gỗ, hộp chứa nước,…;
- 3 bảng nam châm kiểm tra kết quả thí nghiệm 1, 3 bảng ghi kết quả thí nghiệm 2; 3 bàn thấp.
- Video hình ảnh một số loại nam châm và một số ứng dụng của nam châm trong cuộc sống.
- Nhạc bài hát: "Điều kỳ diệu quanh ta", nhạc ảo thuật.
III. QUY TRÌNH:
*E1: Thu hút
- Cô giới thiệu các đại biểu tới dự.
- Cô hướng trẻ lại gần và giới thiệu màn xiếc” Anh hề vui nhộn”
- Cô phụ đóng vai anh hề đi từ ngoài vào biểu diễn màn ảo thuật: 2 chiếc thìa; nam châm với chiếc thìa.
- Anh Hề giao lưu và hỏi trẻ:
+ Các em thấy màn ảo thuật của anh hề thế nào? (Hay, thú vị…)
+ Các em có thắc mắc gì về màn ảo thuật của anh vừa rồi không?
(Tại sao 2 chiếc thìa lại không dính được vào với nhau mà chiếc thìa lại dính được với đồ vật khác?...)
- Anh hề giải thích: Hai cái thìa không dính vào với nhau vì cả 2 cái thìa đều không có lực hút, còn cái thìa dính được với đồ vật khác là vì dù thìa không có lực hút nhưng đồ vật khác mà anh vừa làm ảo thuật với chiếc thìa lại có lực hút. Bí mật nhé…để lần sau anh sẽ có nhiều tiết mục thú vị hơn dành cho các em. Còn bây giờ anh hề xin chào tạm biệt lớp mình đi anh sang các lớp khác đây. Anh hề chào tạm biệt lớp rồi ra ngoài.
- Cô trò chuyện với trẻ: Vừa rồi, các con đã được xem 1 tiết mục xiếc vô cùng đặc sắc của anh Hề…
- Cho trẻ đoán đồ vật khác đó là gì? (Hỏi ý kiến nhiều trẻ)
- Cô khẳng định: Đồ vật hút được chiếc thìa đó chính là nam châm
- Hỏi trẻ: Các con biết gì về nam châm? (Hỏi ý kiến nhiều trẻ): màu sắc, hình dạng, hút được thìa…)
- Cô gợi ý cho trẻ nêu lên được những thắc mắc: (Cô ơi! Nam châm có hút được tờ giấy, đồ chơi…không?)
- Cô dẫn dắt: Để biết nam châm hút được những đồ vật nào, chúng mình cùng về nhóm làm thí nghiệm.
*E2: Khám phá:
Thí nghiệm “Sự kỳ diệu của nam châm”
*Thí nghiệm 1: Nam châm có thể hút được các vật có chất liệu gì?
- Cho trẻ về 3 nhóm, nhóm trưởng lên lấy đồ dùng về nhóm mình làm thí nghiệm.
- Cô cùng trẻ nêu tên và kí hiệu đồ dùng thí nghiệm
+ 2 loại rổ: Rổ có kí hiệu đựng đồ nam châm hút được: hình tròn và hình chữ nhật dính sát nhau. Rổ có kí hiệu đựng đồ nam châm không hút được: hình tròn và hình chữ nhật tách nhau.
+ Các loại đồ dùng, nguyên vật liệu tái chế: nam châm, thìa, kẹp tóc, giấy….
- Cô giao nhiệm vụ cho trẻ: Làm thí nghiệm phân loại đồ vật nam châm hút được và không hút được cho vào 2 rổ theo kí hiệu quy định.
- Cho trẻ tự làm thí nghiệm và phân loại theo nhóm.
- Cô cho đại diện cả 3 nhóm mang 2 rổ đồ dùng đã phân loại lên để triên bàn dưới bảng kiểm tra kết quả của nhóm mình. Cho trẻ tự ghi ký hiệu tên nhóm mình lên bảng nam châm kiểm tra kết quả (ông mặt trời, bông hoa, trái tim)
- Lần 1: Cho đại diện cả 3 nhóm kiểm tra luôn kết quả rổ đồ vật nam châm không hút được. (Sau khi kiểm tra, không có đồ vật nào nam châm hút, cô cho trẻ chuyển đồ vật rơi xuống hộp phía dưới sang lại rổ có ký hiệu đựng đồ vật nam châm không hút được để sau khi trẻ kiểm tra xong hết kết quả, trẻ giải thích kết quả 1 thể)
+ Sau khi kiểm tra kết quả rổ đồ vật nam châm không hút được, cô cho đại diện cả 3 nhóm về chỗ ngồi
- Lần 2: Cô lần lượt cho từng nhóm (có thể là cả nhóm) lên kiểm tra lại kết quả rổ đồ vật nam châm hút được trên giá bảng nam châm. Cho nhóm đó giải thích luôn kết quả nhóm mình.
+ Cho 2 nhóm còn lại có ý kiến hoặc đặt ra câu hỏi cho nhóm được kiểm tra.
- Hỏi lại trẻ: tên gọi, chất liệu đồ vật nam châm hút được.
- Cô cùng trẻ khẳng định lại: Tất cả các đồ vật nam châm hút được có chất liệu sắt: (thìa, kẹp giấy, chìa khóa, …); vật nam châm không hút được có chất liệu khác (giấy, nhựa, gỗ…)
* Thí nghiệm 2: Nam châm có thể hút gián tiếp đồ vật bằng sắt qua các vật cản.
- Cho mỗi trẻ cầm nam châm của mình tìm 1 đồ vật hút được xung quanh lớp. Thời gian là 1 bản nhạc ngắn. (Trẻ nào không tìm được đồ vật nam châm hút thì để nam châm lại rổ và về chỗ ngồi. Trẻ nào tìm được thì cho trẻ cầm nam châm có dính đồ vật lên đứng phía trẻ theo hàng ngang. Cô cùng cả lớp khen ngợi các trẻ đó. Sau đó cô mượn lại các trẻ này nam châm và đồ vật hút được vừa tìm. Cho trẻ về chỗ ngồi.)
- Cô lấy 1 số đồ vật nam châm hút mà trẻ tìm được tạo tình huống bất ngờ tuột tay rơi vào khay nước.
+ Hỏi trẻ: Làm cách nào để lấy giúp cô những đồ dùng đó mà không ướt tay. (xin ý kiến nhiều trẻ: dùng gang tay, lấy đũa gắp, dùng nam châm…)
+ Cô cho trẻ có ý kiến dùng nam hút lấy đồ vật ở bình nước.
+ Cho trẻ dưới nhận xét và có ý kiến về cách lấy nam châm mà bạn vừa thực hiện.
- Cô khẳng định: Nam châm rất kỳ diệu. Nam châm không những hút trực tiếp được các đồ vật có chất liệu bằng sắt mà nam châm còn có thể hút gián tiếp các đồ vật có chất liệu bằng sắt qua các vật cản như vật cản nước vừa rồi.
- Cô giới thiệu tất cả các vật cản có chất liệu khác nhau mà cô đã chuẩn bị. - Cô cùng trẻ giới thiệu về bảng ghi kết quả.
- Giao nhiệm vụ cho trẻ làm thí nghiệm: Nam châm hút các đồ vật có chất liệu sắt qua các vật cản đó. (Qua các vật cản bằng các chất liệu khác nhau, dầy mỏng khác nhau thì nam châm có hút được không? Hút như thế nào?)
- Cho trẻ lấy đồ dùng và về 3 nhóm thực hiện làm thí nghiệm.
+ Cô gợi ý trẻ nói về: tên vật cản, đồ dùng để làm thí nghiệm; cách làm thí nghiệm…
+ Cô cho trẻ tự thảo luận để phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm. (Cô quan sát giúp đỡ trẻ thực hiện)
- Cho trẻ làm thí nghiệm và viết kết quả trên bảng của đội mình. (Cho trẻ ghi ký hiệu nhóm trên bảng kết quả và sáng tạo trong cách tích đánh đánh dấu trên bảng kết quả bằng các biểu tượng khác nhau)
*E3: Giải thích
- Cô cho đại diện cả 3 nhóm lên treo bảng kết quả thí nghiệm trên giá của nhóm mình. (Sau đó cho 3 đại diện về chỗ ngồi)
- Cho lần lượt từng nhóm lên giải thích kết quả của nhóm mình.
+ Cho 2 nhóm còn lại có ý kiến hoặc đặt ra câu hỏi cho nhóm kiểm tra.
*E4: Củng cố / Mở rộng
- Cho trẻ chơi trò chơi tìm đồ vật (ghim giấy) được vùi trong cát.
- Gợi ý cho trẻ đưa ra những thắc mắc về trò chơi trên.
- Cô khẳng định lại: Nam châm rất kì diệu, có thể hút được tất cả các đồ vật có chất liệu bằng sắt và hút được các vật đó qua tất cả các vật cản. Qua vật cản càng mỏng, nam châm hút đồ vật càng mạnh. Chính vì vậy nam châm có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống.
- Cho trẻ kể về những ứng dụng của nam châm trong cuộc sống mà trẻ biết.
- Cô cho trẻ xem video ứng dụng của nam châm trong đời sống hàng ngày
- Giao cho trẻ bài tập về nhà các con thí nghiêm nam châm với những đồ dùng đồ vật trong gia đình và bảo bố mẹ quay video gửi cho cô xem kết quả.
*E5: Đánh giá
- Cô nhận xét về quá trình hoạt động của trẻ.
- Nhận xét kết quả và tuyên dương trẻ