BÁO CÁO BIỆN PHÁP
“ Một số biện pháp phối hợp với phụ huynh giúp trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử một cách khoa học”.
I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Như chúng ta đã biết xã hội ngày càng phát triển, công nghệ và thiết bị điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nó là phương tiện giúp mọi người trong công việc, tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời nó cũng là công cụ truy cập, tìm kiếm các thông tin bổ ích phục vụ cho việc học của con em và cũng là nguồn giải trí rất quen thuộc. Tuy nhiên, thiết bị điện tử đã mang đến không ít hệ lụy, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống tinh thần và việc học tập vui chơi của các em nếu như sử dụng không đúng cách. Việc sử dụng các thiết bị điện tử không hợp lý đã trở thành một con dao hai lưỡi đang âm thầm lấy đi sự năng động, hồn nhiên, trong sáng của trẻ dần dần trẻ em bị biến thành những con người thụ động.
Bản thân tôi là một giáo viên mầm non, trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ tôi nhận thấy sự khác thường trong việc tập trung chú ý của trẻ vào các hoạt động, qua trao đổi chia sẻ với các bậc phụ huynh, tôi cảm thấy rất băn khoăn, trăn trở rằng mình cần làm gì, làm như thế nào, để có biện pháp giúp các bậc phụ huynh trong việc đồng hành cùng con ở lớp và tại nhà mà hạn chế tối đa việc lạm dụng thiết bị điện tử, sử dụng sao cho hợp lý. Chính vì vậy tôi đã mạnh dạn lựa chọn:
“ Một số biện pháp phối hợp với phụ huynh giúp trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử một cách khoa học”.
2. Đối tượng nghiên cứu:
- Khảo sát thực tế trên 37 trẻ lớp 4 tuổi B3 trường mầm non Quang Trung.
3. Mục tiêu của biện pháp:
- Nhằm tìm ra biện pháp phối hợp với phụ huynh giúp trẻ mẫu giáo sử dụng thiết bị điện tử một cách an toàn, khoa học và phù hợp với lứa tuổi.
- Cùng phụ huynh thiết lập thời gian sử dụng thiết bị hợp lý cho trẻ, tránh việc trẻ bị phụ thuộc hoặc lạm dụng thiết bị điện tử. Giúp cha mẹ trẻ phối hợp cùng con nhiều hơn, chơi và trò chuyện với con trong thời gian rảnh rỗi.
- Giúp giáo viên lồng ghép CNTT linh hoạt các nội dung giáo dục vào các hoạt động hàng ngày của trẻ.
II. NỘI DUNG
1. Thực trạng (thực tế khi chưa thực hiện biện pháp)
Là một giáo viên mầm non qua nhiều năm đứng lớp nên ngay từ khi nhà trường phân công dạy lớp mẫu giáo 4 tuổi B3 năm học 2024 - 2025, tôi đã khảo sát trên trẻ và trao đổi trực tiếp với phụ huynh để nắm được đặc điểm tâm sinh lí cũng như hiện trạng của trẻ sử dụng các thiết bị điện tử. Khi đó tôi biết rằng, rất nhiều các bạn trong lớp 4 tuổi B3 được bố mẹ cho xem ti vi điện thoại không giới hạn về thời gian nội dung, trẻ đã biết sử dụng một số các ứng dụng trên điện thoại như youtube, các ứng dụng trò chơi khác nhau có những bạn sử dụng một cách thành thạo mà không cần tới sự hướng dẫn của người lớn
Bảng khảo sát trên trẻ và thông qua trao đổi với phụ huynh.
STT | Nội dung khảo sát | Tỉ lệ | Phần trăm (%) |
1 | Trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại, tivi | 30/37 | 81% |
2 | Trẻ đôi khi sử dụng điện thoại, tivi | 8/37 | 19% |
3 | Cha mẹ cho trẻ sử dụng điện thoại vừa ăn vừa xem | 26/37 | 70% |
4 | Dành thời gian trò chuyện, chơi cùng con | 12/37 | 32% |
5 | Trẻ chủ động tham gia các hoạt động ở trường, lớp. | 16/37 | 43% |
Sau khi khảo sát tôi thấy rằng trẻ tham gia sử dụng thiết bị điện tử chiếm tỉ lệ rất cao và mỗi khi trẻ chơi điện thoại hay xem ti vi quá nhiều cha mẹ đã áp dụng một số phương pháp tiêu cực như: Tịch thu điện thoại một cách đột ngột, quát mắng trẻ, cài đặt hình nền ma quỷ, vẽ quầng thâm mắt hay lấy cô giáo ra đề hù dọa các con. Những biện pháp đó không mang lại hiệu quả ngược lại còn làm gia tăng sự kháng cự và khó khăn trong việc xây dựng thói quen tốt cho trẻ. Từ những ý kiến trao đổi, tôi đã mạnh dạn đưa ra các giải pháp mới nhằm phối hợp với phụ huynh giúp trẻ sử dụng thiết bị điện tử một cách khoa học tại lớp 4 tuổi B3 trường mầm non Quang Trung.
* Những điểm mạnh:
- Nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, trang bị tivi, máy tính, loa máy, camera… cho các lớp và đường truyền Internet ổn định giúp giáo viên sử dụng trong quá trình tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
- Ban giám hiệu thường xuyên định hướng và hỗ trợ giáo viên trong việc phối hợp với phụ huynh.
- Giáo viên hiểu được đặc điểm tâm sinh lí và phương pháp giáo dục trẻ, hiểu rõ tác động của thiết bị điện tử đối với trẻ.
- Trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đúng độ tuổi, phát triển đồng đều.
- Phụ huynh quan tâm và luôn trao đổi với giáo viên về tình hình của trẻ.
* Vấn đề còn tồn tại:
- Một số giáo viên chưa chú ý đến việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động một cách khoa học, phù hợp độ tuổi.
- Phụ huynh ở lớp đa số là đi làm công nhân nên thời gian dành cho con rất ít, số khác thì ở với ông, bà, …. ngày nghỉ hay khi phụ huynh làm việc, liên hoan, dự tiệc thường cho con chơi điện thoại không bị con làm phiền. Ngoài ra việc trẻ ở với ông bà nên việc phối hợp tương tác giữa cô với phụ huynh sẽ bị hạn chế.
- Một số phụ huynh chưa hiểu hết được tác hại và lợi ích của việc sử dụng các thiết bị điện tử cho rằng cấp học mầm non không quan trọng nên phó mặc để trẻ chơi mà không kiểm soát.
- Một số phụ huynh không quen thuộc với cách cài đặt và sử dụng các công cụ kiểm soát và một số phụ huynh có thói quen sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên, khó thay đổi để làm gương cho trẻ.
- Một số phụ huynh không có thời gian tham gia các buổi chia sẻ hoặc không quan tâm đến vấn đề này.
- Trẻ được nuông chiều rất dễ bị thu hút lại bởi thiết bị điện tử.
2. Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của biện pháp
Để giúp trẻ 4-5 tuổi sử dụng công nghệ đúng cách, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp phối hợp với phụ huynh.
* Cơ sở lý luận
- Theo Piaget, trẻ 4-5 tuổi nằm trong giai đoạn tiền thao tác, khi đó tư duy của trẻ còn mang tính trực quan và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những gì trẻ thấy và trải nghiệm. Việc sử dụng thiết bị điện tử không đúng cách có thể làm hạn chế sự phát triển tư duy trực quan và khả năng tương tác thực tế.
Giai đoạn này, trẻ học thông qua quan sát và bắt chước hành vi của người khác, đặc biệt là người lớn. Trẻ chưa có khả năng kiểm soát và tự định hướng hành vi, nên rất dễ bị cuốn vào các trò chơi, video, hoặc chương trình trên thiết bị điện tử. Việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội của trẻ. Trẻ em cần có thời gian để học cách tương tác với môi trường xung quanh và xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Vì vậy, nếu cha mẹ và người chăm sóc có thói quen sử dụng thiết bị điện tử đúng mực, trẻ sẽ dễ dàng noi theo. Các biện pháp phối hợp với phụ huynh không chỉ giúp trẻ hình thành cân bằng giữa thời gian sử dụng thiết bị và các hoạt động ngoài trời, tương tác xã hội mà còn có thể hướng dẫn phụ huynh trở thành tấm gương cho trẻ.
* Cơ sở thực tiễn
Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò, tác dụng to lớn của điện thoại di động hay những thiết bị điện tử đối với đời sống con người, nhưng nếu không được quản lý đúng cách, chúng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Những chiếc điện thoại hay tivi được xem là “vị cứu tinh” của rất nhiều các bậc phụ huynh mỗi khi bận rộn, khi con biếng ăn, hay mỗi khi đi dự tiệc, liên hoan.… để trẻ không mè nheo, không đòi mẹ dẫn đi chơi.
Trẻ xem nhiều điện thoại, tivi có thể dẫn đến các vấn đề như mất tập trung, chậm phát triển ngôn ngữ và các vấn đề tâm lý như trầm cảm hay tự ti. Thực tế hiện nay rất nhiều trẻ mầm non bị các bệnh về mắt như: cận thị, loạn thị…. giảm khả năng nhìn xa và tiếp thu bài học dẫn đến mệt mỏi và căng thẳng mắt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, chậm phát triển mà còn làm giảm khả năng tương tác xã hội của trẻ.
Từ vấn đề đó tôi thiết nghĩ, bản thân mình là một giáo viên mầm non, cần phải có những hành động gì để giúp trẻ sử dụng các thiết bị điện tử một cách khoa học mà không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Được sự quan tâm của Ban giám hiệu, đồng nghiệp thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên đã được tham gia thảo luận các vấn đề hay giải pháp trong việc trẻ sử dụng các thiết bị điện tử. Chính vì điều đó bản thân giáo viên tôi đã không ngừng nỗ lực tìm ra các biện pháp giúp trẻ phát triển một cách toàn diện hơn.
3. Áp dụng biện pháp
3.1. Các biện pháp
Biện pháp 1: Phối hợp với phụ huynh để hiểu rõ về những lợi ích và tác hại của việc sử dụng các thiết bị điện tử.
Phối hợp với phụ huynh để nhận thức rõ lợi ích và tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ là rất quan trọng trong việc giúp trẻ sử dụng công nghệ một cách an toàn và mang lại hiệu quả cho chính trẻ. Việc này giúp cho nhà trường và gia đình cùng nhau cân bằng giữa việc sử dụng thiết bị điện tử và các hoạt động phát triển khác của trẻ. Trước tiên giáo viên phải hiểu rõ và truyền tải tới phụ huynh về lợi ích và tác hại của thiết bị điện tử mang tới:
* Lợi ích của thiết bị điện tử đối với trẻ
- Hỗ trợ học tập: Thiết bị điện tử giúp trẻ tiếp cận thông tin và kiến thức một cách nhanh chóng và sinh động qua các bài học, trò chơi giáo dục, video bổ ích. Nhiều ứng dụng học tập còn giúp trẻ học toán, đọc, viết và phát triển tư duy logic.
- Phát triển kỹ năng công nghệ: Khi tiếp cận với các thiết bị điện tử, trẻ sẽ có cơ hội làm quen và phát triển các kỹ năng cần thiết trong thời đại số, từ đó giúp trẻ tự tin và dễ dàng thích nghi với công nghệ trong tương lai.
- Tăng cường khả năng sáng tạo: Một số ứng dụng và chương trình trên thiết bị điện tử khuyến khích trẻ sáng tạo, từ vẽ tranh, thiết kế đến tạo ra những câu chuyện của riêng mình, giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng.
* Tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể gây mỏi mắt, đau cổ, giảm thị lực và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Thiếu vận động cũng có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.
- Làm giảm khả năng tập trung và phát triển ngôn ngữ: Trẻ tiếp xúc quá nhiều với màn hình có thể mất đi khả năng tập trung và giảm giao tiếp trực tiếp với người xung quanh. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội của trẻ.
- Nguy cơ tiếp cận nội dung không phù hợp: Thiết bị điện tử có thể khiến trẻ tiếp xúc với các nội dung không lành mạnh nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của phụ huynh. Việc này có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến tâm lý và hành vi của trẻ.
* Hình thức tuyên truyền
Với thời đại công nghệ thông tin thì việc phối hợp với phụ huynh cũng trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, website của trường, bảng tuyên truyền hay họp phụ huynh định kỳ đó là những kênh hữu ích để giáo viên và phụ huynh thỏa sức chia sẻ thông tin, bài viết, hình ảnh và video về các hoạt động, chương trình học của trường. Phụ huynh có thể cập nhật tình hình học tập và sinh hoạt của con em mình, đồng thời tiếp cận các tài liệu hữu ích về chăm sóc, giáo dục trẻ.
Kết quả:
Việc phối hợp với phụ huynh về lợi ích và tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử với trẻ mầm non mang lại nhiều kết quả tích cực:
+ Tăng cường nhận thức của phụ huynh về tác hại của việc lạm dụng thiết bị điện tử, chủ động hơn trong việc quản lý thời gian và tần suất sử dụng thiết bị điện tử của con cái.
+ Chú trọng hơn đến việc tạo ra cơ hội giao tiếp, trò chuyện trực tiếp với trẻ, điều này giúp phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, khả năng lắng nghe và hiểu biết cảm xúc của trẻ.
b. Biện pháp 2: Hướng dẫn phụ huynh thiết lập quy tắc sử dụng các thiết bị điện tử một cách khoa học.
Thiết lập thời gian sử dụng thiết bị điện tử hợp lý cho trẻ mầm non với mục đích đảm bảo sự phát triển toàn diện và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là cần sự kiên trì, cố gắng và quyết tâm thật cao của bố mẹ và những người thân khác trong gia đình. Để làm tốt được điều này, tôi đã đề xuất cho phụ huynh như sau:
- Tuân thủ khuyến nghị về thời gian sử dụng thiết bị điện tử
+ Trẻ từ dưới 2 tuổi: Không sử dụng các thiết bị có màn hình.
+ Trẻ từ 2 - 5 tuổi: Thời gian sử dụng thiết bị điện tử tối đa 1 giờ mỗi ngày. Thời gian này có thể chia thành các khoảng ngắn, mỗi lần không quá 10 -15 phút.
- Lựa chọn thời điểm phù hợp để sử dụng thiết bị điện tử
Người lớn cần làm gương cho trẻ hãy từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại khi ở gần các bé nếu cần hãy ra khỏi phòng nơi không có bé để sử dụng đồng thời tắt thông báo và đặt điện thoại ở chế độ rung cũng giúp tránh gây phân tâm, chú ý cho trẻ.
Ngoài ra, nên thiết lập các khu vực trong nhà không sử dụng thiết bị điện tử như phòng ăn để bảo đảm thời gian ăn uống, trẻ tập trung ăn và cảm thấy ngon miệng. Không sử dụng trước khi ngủ tránh cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 1-2 giờ trước khi đi ngủ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Ánh sáng từ màn hình có thể làm rối loạn nhịp sinh học và gây khó ngủ.
Sử dụng vào thời gian cố định trong ngày, đặt ra một lịch trình nhất quán để trẻ hiểu rằng thiết bị điện tử không phải là một lựa chọn giải trí bất cứ lúc nào. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen và kiểm soát tốt hơn.
- Lựa chọn nội dung chất lượng phù hợp với lứa tuổi.
Bố mẹ cũng nên gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết và khóa kênh youtube để trẻ không tự ý truy cập. Bên cạnh đó bố mẹ có thể cài đặt ứng dụng youtube kid dành riêng cho trẻ. Nội dung trên thiết bị điện tử cần đảm bảo lành mạnh, mang tính giáo dục phù, hợp với độ tuổi của trẻ. Phụ huynh lựa chọn các ứng dụng, video hoặc trò chơi mang tính giáo dục và có thời gian ngắn, không gây kích thích quá mức như: Video kỹ năng sống, nhảy cùng bibi, một số câu chuyện cổ tích…Tránh các nội dung có tính chất bạo lực, quảng cáo không phù hợp hoặc nội dung không mang tính giáo dục.
- Giới thiệu ứng dụng Kids up tới các bậc phụ huynh.
Ở lớp tôi chủ nhiệm cũng có trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, tôi cũng đã tìm hiểu rất nhiều các trang nhóm cộng đồng trên mạng xã hội để tìm ra các ứng dụng dụng hay giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và phát triển tư duy như Monkey, Kids up, eKids star, ABC, bé vui học toán,... Trong số ứng dụng đó tôi đã lựa chọn Kids up một ứng dụng giáo dục sớm song ngữ của công ty cổ phần công nghệ giáo dục Kids Sun Việt Nam khi áp dụng tôi thấy mang lại hiệu quả và tôi đã mang ứng dụng này giới thiệu với phụ huynh để đồng hành cùng con tại nhà.
Nội dung trong Kids up rất phong phú và đa dạng có thể sử dụng trên nhiều thiết bị như điện thoại, ipad, tivi, máy tính khi đã kích hoạt vào thiết bị sẽ không cần mạng Internet các con cũng vẫn có thể học. Vì vậy các con học ba mẹ có thể tắt wifi hay ngắt kết nối mạng Internet thì chúng ta sẽ không lo con tự ý bỏ học và đi truy cập vào các ứng dụng khác. Một ưu điểm nữa của Kids up mà tôi thấy được nó khác với các ứng dụng khác là chương trình được tự động điều chỉnh lộ trình của bài học phù hợp với khả năng của từng bé điều quan trọng hơn cả của Kids up có mà tới muốn phụ huynh đó chính là Kids up có giới hạn thời gian học của bé. Mỗi một ngày chương trình chỉ cho các con học 15-20 phút, cứ hết giờ chương trình sẽ đưa ra lời cảnh báo cho các con rất rõ ràng là “Đã hết giờ học rồi, con hãy tắt máy để mắt được nghỉ ngơi nhé”! Hẹn gặp con vào buổi học ngày hôm sau”. Việc quy định thời lượng bài học của Kids up vừa giúp bảo vệ mắt cho bé, vừa giúp các con sử dụng thiết bị điện tử một cách khoa học. Khi nghe lời cảnh báo các con vui vẻ tắt máy và hào hứng mong chờ đến buổi học tiếp theo. Thực hiện “kỷ luật không nước mắt”.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài trời.
Ba mẹ tổ chức một buổi dã ngoại nhỏ trong công viên hoặc vườn nhà, nơi trẻ có thể khám phá thiên nhiên, thu thập các nguyên liệu tự nhiên như đá, cành cây để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ chơi đồng thời có thể tham gia các hoạt động thể thao trẻ em như đá bóng, nhảy lò cò, trốn tìm, rồng rắn lên mây và một số các trò chơi dân gian khác… Những trò chơi này giúp bé khám phá được thế giới xung quanh thay vào việc trẻ ngồi trước màn hình điều này trẻ thích thú tìm tòi và tham gia vào các trò chơi đồng thời giúp cho trẻ phát triển một cách toàn diện hơn.
Kết quả: Giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, bảo vệ sức khỏe và tăng cường kỹ năng xã hội, tư duy và tự điều chỉnh. Việc sử dụng thiết bị điện tử trở nên lành mạnh, an toàn và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của trẻ. Điều này giúp giảm bớt các xung đột giữa cha mẹ và trẻ về việc sử dụng thiết bị điện tử, đồng thời tạo ra một môi trường gia đình yên bình và hài hòa hơn.
c. Biện pháp 3: Giáo viên lồng ghép UDCNTT một cách linh hoạt trong giảng dạy.
Ngoài việc phối hợp với phụ huynh sử dụng các thiết bị điện tử một cách khoa học khi trẻ ở nhà thì trên lớp giáo viên cũng luôn đặt ra cho mình một kế hoạch sử dụng đúng cách giúp trẻ phát triển toàn diện và tránh được tác hại của thiết bị điện tử với trẻ.
1. Lập kế hoạch giảng dạy có tích hợp công nghệ thông tin
- Xác định mục tiêu rõ ràng: Giáo viên cần xác định rõ mục tiêu bài học và lựa chọn công nghệ phù hợp để hỗ trợ, không lạm dụng công nghệ mà sử dụng nó để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
- Phân bổ thời gian hợp lý: Trong mỗi tiết học, chỉ nên sử dụng công nghệ cho các phần phù hợp, không để công nghệ chiếm hết thời gian của các hoạt động khác như thảo luận, thực hành, hay tương tác trực tiếp.
2. Ứng dụng phù hợp với nội dung giảng dạy
- Sử dụng phần mềm, ứng dụng có tính giáo dục cao: Giáo viên nên tìm kiếm và sử dụng các ứng dụng, phần mềm có giá trị giáo dục, như ứng dụng powerpoint, Quizizz, trò chơi học tập, hay video minh họa.
3. Sử dụng công nghệ để đa dạng hóa tài liệu giảng dạy
Tạo các bài giảng đa phương tiện: Giáo viên có thể kết hợp hình ảnh, âm thanh, và video để bài giảng sinh động hơn, giúp học sinh dễ hình dung và ghi nhớ.
* Ví dụ: Trong lĩnh vực phát triển thẩm mỹ: Dạy hát bài: "Chú Voi Con" có thể được kết hợp với công nghệ để tạo hứng thú cho trẻ. Thay vì chỉ sử dụng những trò chơi truyền thống như "Tai ai tinh", giáo viên có thể sử dụng trò chơi: "Ô cửa bí mật" trên máy tính.
Cách thực hiện:
1. Giáo viên chuẩn bị: Tạo một trò chơi với các ô cửa bí mật. Mỗi ô cửa có hình ảnh hoặc âm thanh liên quan đến bài hát chú Voi Con hoặc các con vật liên quan đến chủ đề. Giáo viên giới thiệu trò chơi, giải thích luật chơi. Trẻ sẽ lần lượt lên mở các ô cửa và mỗi lần mở sẽ có hình ảnh minh họa cho nội dung bài hát.
2. Khám phá và học hỏi: Khi trẻ mở được ô cửa, giáo viên dẫn dắt trẻ thảo luận về hình ảnh hoặc âm thanh đó, giúp trẻ liên tưởng tới nội dung bài hát đó.
3. Thực hành hát: Sau khi đã khám phá xong, trẻ có thể cùng nhau hát bài.
4. Kết thúc: Giáo viên có thể cho trẻ tham gia một trò chơi nhỏ khác liên quan đến bài hát, như hát theo điệu nhạc hoặc vẽ tranh về chú voi. Việc sử dụng công nghệ không chỉ giúp trẻ hứng thú hơn mà còn phát triển kỹ năng tư duy và sáng tạo.
Bên cạnh đó tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp kiến thức cho trẻ bằng cách xây dựng các tiết học lồng ghép kỹ năng sống vào trong các hoạt động dạy trẻ trên lớp. Ví dụ: Trong chủ đề “Một số đồ dùng gia đình” tôi cho trẻ khám phá khoa học “Một số đồ dùng sử dụng điện”.
Nội dung tiết học
1. Ổn định tổ chức:
- Bắt đầu bằng một trò chơi nhỏ để khơi dậy sự hứng thú, như: "Đoán đồ dùng" giáo viên mô tả hoặc đưa ra hình ảnh và trẻ phải đoán xem đó là đồ dùng gì.
2. Khám phá đồ dùng sử dụng điện:
Chia trẻ thành các nhóm nhỏ để khám phá các đồ dùng như tủ lạnh, máy giặt, máy xay sinh tố, quạt…Mỗi nhóm sẽ trình bày về đặc điểm, công dụng và cách sử dụng an toàn của đồ dùng mình nghiên cứu.
- Trò chuyện về cách xem tivi:
+ Trong phần thảo luận về cách xem tivi đúng cách, giáo viên có thể sử dụng hình ảnh minh họa hoặc video ngắn để làm rõ hơn về các tư thế ngồi, khoảng cách an toàn, và thời gian xem hợp lý.
+ Khuyến khích trẻ nêu ý kiến và cảm nhận của mình về chương trình yêu thích, từ đó dẫn dắt đến việc lựa chọn nội dung phù hợp.
- Giáo dục về tiết kiệm điện:
+ Tạo một tình huống giả định về việc sử dụng điện trong gia đình. Hỏi trẻ: “Nếu bạn thấy ai đó để đèn sáng khi không có người, bạn sẽ làm gì?”
+ Hướng dẫn trẻ cách nhắc nhở người lớn một cách lịch sự về việc tiết kiệm điện, như tắt đèn khi ra khỏi phòng.
3. Kết thúc
Cho trẻ sử dụng công nghệ có thể vẽ một đồ dùng điện mà chúng yêu thích và giải thích công dụng của nó cho bạn bè hay cho trẻ chọn những hình ảnh sử dụng điện tiết kiệm, xem tivi đúng tư thế…Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ tiếp thu kiến thức mà còn tạo dựng thói quen và kỹ năng sống cần thiết cho tương lai.
Ngoài ra giáo viên có thể tổ chức các trò chơi học tập, câu đố và bài hát thông qua công nghệ, tạo ra không gian học tập đầy hứng khởi như tôi đã tạo ra trò chơi như: Rung chuông vàng vừa là sân chơi vừa đem lại hệ thống kiến thức củng cố cho trẻ trong tất cả các lĩnh vực sau mỗi chủ đề đồng thời rèn khả năng tư duy, tính cách mạnh dạn cho trẻ.
Kết quả: Việc lồng ghép ƯDCNTT trong giảng dạy không chỉ giúp giáo viên nâng cao chất lượng bài giảng mà còn tạo ra một môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả cho học sinh. Nhờ vào sự kết hợp này, trẻ sẽ cảm thấy thích thú và hào hứng hơn với việc học, đồng thời giảm bớt thời gian ngồi trước tivi hay điện thoại.
3.2. Đánh giá ưu điểm và hạn chế của biện pháp
a) Một số ưu điểm:
* Với trẻ:
- Giúp trẻ hình thành thói quen sử dụng thiết bị có kiểm soát và giảm nguy cơ bị nghiện thiết bị điện tử, đồng thời tạo thời gian cho các hoạt động khác như vận động, giao tiếp xã hội.
- Trẻ tiếp cận các nội dung lành mạnh, mang tính giáo dục, phù hợp với lứa tuổi. Giúp trẻ học được những kiến thức bổ ích thông qua các ứng dụng, các chương trình chất lượng.
- Giảm sự phụ thuộc vào thiết bị điện tử, giúp trẻ cân bằng giữa các hoạt động thể chất, trí tuệ, và giao tiếp xã hội.
* Phụ huynh:
- Phụ huynh dễ dàng quản lý thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ, hỗ trợ phụ huynh quản lý thời gian và kiểm soát nội dung mà trẻ tiếp cận, ngay cả khi không trực tiếp giám sát.
- Tăng cường kết nối gia đình thông qua các hoạt động chung như đọc sách, chơi trò chơi, hoặc cùng vận động ngoài trời.
- Xây dựng thói quen sử dụng thiết bị lành mạnh trong cả gia đình, cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để phụ huynh biết cách hỗ trợ và định hướng cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử.
* Nhà trường và giáo viên:
- Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục trẻ.
- Hỗ trợ giáo viên trong việc quản lý, giáo dục và đánh giá toàn diện trẻ cải thiện chất lượng dạy học
- Giảm áp lực cho giáo viên, tạo sự gắn kết mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh.
b) Một số hạn chế.
* Trẻ
- Một số trẻ phản ứng tiêu cực (như mè nheo, khó chịu) khi bị giới hạn thời gian sử dụng.
* Phụ huynh
- Một số phụ huynh có thói quen sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên, khó thay đổi để làm gương cho trẻ.
* Giáo viên
- Không thể giám sát trực tiếp trẻ tại nhà.
Mỗi biện pháp phối hợp với phụ huynh đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Để đạt hiệu quả tốt nhất, cần kết hợp linh hoạt các biện pháp, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình và tính cách của trẻ. Quan trọng hơn, sự kiên nhẫn, nhất quán và đồng hành của phụ huynh đóng vai trò quyết định trong việc giáo dục trẻ sử dụng thiết bị điện tử một cách khoa học.
3.3 Đánh giá kết quả đạt được sau khi áp dụng biện pháp:
Sau khi thực hiện biện pháp phối hợp cùng phụ huynh giúp trẻ mẫu giáo sử dụng các thiết bị điện tử khoa học cụ thể là lớp 4 tuổi B3 trường Mầm non Quang Trung tôi nhận được kết quả rõ rệt:
* Đối với trẻ:
- Trẻ sẽ biết cách sử dụng thiết bị điện tử đúng mục đích không lạm dụng đạt 31/37 trẻ chiếm 84% trẻ hạn chế được tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
- Tuân thủ quy tắc thời gian giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.
- Trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời, vui chơi thể chất, tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng khác như đọc sách, vẽ, hoặc chơi đồ chơi sáng tạo. Trẻ có cơ hội học hỏi và phát triển những kỹ năng xã hội quan trọng như chia sẻ, hợp tác, và giải quyết xung đột thông qua các trò chơi và hoạt động tương tác thực tế.
- 17/37 trẻ chiếm 46% trẻ tham gia khóa học kidsup trẻ có được rất nhiều những kiến thức bổ ích sử dụng thiết bị điện tử một cách khoa học và hứng thú tham gia vào học tập.
* Đối với giáo viên:
- Cô lồng ghép UDCNTT một cách linh hoạt, có hiệu quả các nội dung giáo dục cho trẻ vào các hoạt động hàng ngày của trẻ trong ngày trẻ lôi cuốn, hứng thú tham gia vào hoạt động.
- Giảm áp lực cho giáo viên khi giáo viên không cần phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh từ việc trẻ lạm dụng thiết bị điện tử và có thêm thời gian, năng lượng để tập trung vào các hoạt động giảng dạy và phát triển kỹ năng cho trẻ.
* Đối với phụ huynh:
- Phụ huynh hiểu và biết được lợi ích và tác hại của việc cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử. Việc nhận thức được những hậu quả này giúp phụ huynh chủ động hơn trong việc quản lý thời gian và tần suất sử dụng thiết bị điện tử của con.
- Phụ huynh chú trọng hơn đến việc tạo ra cơ hội giao tiếp, trò chuyện trực tiếp với trẻ, điều này giúp phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, khả năng lắng nghe và hiểu biết cảm xúc của trẻ.
Tăng cường sự tham gia của phụ huynh trong hoạt động giáo dục của trẻ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non và củng cố mối quan hệ gia đình, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
III. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Sử dụng các thiết bị điện tử một cách khoa học đem lại hiệu quả cao trong học tập nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực nếu không được kiểm soát. Thay vì để trẻ sử dụng thiết bị một cách thụ động, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ sử dụng chúng để học hỏi và sáng tạo. Ngoài ra, vai trò của giáo viên cũng rất quan trọng. Giáo viên cần thường xuyên cập nhật kiến thức và phương pháp dạy học, đồng thời phải yêu trẻ và kiên nhẫn trong công việc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình sẽ tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện, giúp trẻ phát triển tốt nhất cả về kỹ năng sống và học tập.
Khuyến nghị:
- Về phía Phòng Giáo dục: Tiếp tục tổ chức các chuyên đề, hội thi, hội thảo tham quan học tập từ các trường trong và ngoài huyện.
- Đối với nhà trường: Thường xuyên tổ chức cho giáo viên tham dự lớp bồi dưỡng về giáo dục một số kĩ năng sống cho trẻ, UDCNTT trong dạy học. Tạo điều kiện cho giáo viên tham gia vào các lớp học, buổi tập huấn… của các cấp tổ chức. Trên đây là “Một số biện pháp phối hợp cùng phụ huynh giúp trẻ mẫu giáo sử dụng các thiết bị điện tử một cách khoa học”. Rất mong nhận được những chia sẻ, trao đổi đóng góp ý kiến của Ban giám khảo, đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo để bản báo cáo của tôi ngày càng hoàn thiện hơn.