BÁO CÁO BIỆN PHÁP
"Một số biện pháp tổ chức tốt trò chơi dân gian cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non"
I. Phần đặt vấn đề
1. Lý do chọn đề tài
Như chúng ta đã biết, hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non chính là hoạt động vui chơi “Trẻ học bằng chơi, chơi bằng học”, thông qua vui chơi trẻ không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí mà còn phát triển toàn diện về nhân cách. Xuất phát từ vai trò quan trọng của hoạt động vui chơi đối với trẻ, việc giáo viên tổ chức các trò chơi nói chung và đặc biệt là trò chơi dân gian nói riêng là một việc làm cần thiết và rất có ý nghĩa.
Nhắc đến tuổi thơ ai cũng gắn liền với con trâu, cánh đồng và những cánh diều thả gió với những trò chơi dân gian đầy lý thú. Thế nhưng trẻ em ngày nay ít được chơi những trò chơi dân gian và giờ đang ngày càng bị mai một, lãng quên không chỉ có ở các thành phố mà còn ở các vùng quê. Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin cùng những trò chơi hiện đại chúng ta không thể phủ nhận những trò chơi hiện đại giúp trẻ phát triển nhưng về mặt trái vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, liệu trẻ em hôm nay và thế giới ngày mai có còn nhớ đến những trò chơi cổ truyền dân gian nữa hay không? Câu trả lời vẫn nằm ở chính chúng ta đó là giúp các em hiểu và quay về nguồn với các trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết.
Vậy làm thế nào để tổ chức được các trò chơi dân gian thực sự có hiệu quả, lôi cuốn và hấp dẫn được trẻ là một bài toán khó với giáo viên. Xuất phát từ thực tế trên, tôi luôn băn khoăn, trăn trở, suy nghĩ và tìm các biện pháp để tổ chức các trò chơi dân gian một cách có hiệu quả nhất. Vì vậy tôi đã chọn đề tài: "Một số biện pháp tổ chức tốt trò chơi dân gian cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non"
2. Đối tượng nghiên cứu
- Trẻ 4 - 5 tuổi tại trường mầm non Quang trung
3. Mục tiêu của biện pháp
- Tìm ra biện pháp cải tiến nâng cao chất lượng tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ;
- Giúp trẻ hiểu biết, mở rộng nắm rõ đặc điểm, đặc trưng, kỹ năng của một số trò chơi dân gian dành cho trẻ.
- Thông qua các trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất, trí tuệ, tình cảm đạo đức.
- Tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các trò chơi dân gian, lưu giữu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
II. Nội dung
1. Thực trạng
* Thuận lợi:
- Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường trong việc đầu tư trang thiết bị, tài liệu cho trò chơi. Sân trường, phòng học rộng rãi, thuận tiện cho việc bố trí, tổ chức các trò chơi dân gian được hợp lý;
- Bản thân là giáo viên nhiệt tình, ham học hỏi, năng động tạo mọi cơ hội cho trẻ đến với trò chơi dân gian;
- Trẻ mạnh dạn, tự tin, thông minh, thích tham gia vào các trò chơi, đặc biệt là các trò chơi dân gian;
* Khó khăn:
- Thời gian tổ chức cho trẻ chơi rất hẹp vì đa số trò chơi dân gian chỉ tổ chức lồng ghép với các hoạt động khác
- Đồ dùng đồ chơi còn chưa phong phú đa dạng, dẫn đến hạn chế trong việc tổ chức các trò chơi
- Chưa có giáo án nghiên cứu tài liệu nhiều để tổ chức đa dạng các trò chơi dân gian
- Trong lớp còn một số trẻ rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin và không thích tham gia vào các hoạt động tập thể;
- Một số phụ huynh chưa phối kết hợp nhiều với nhà trường trong việc hướng dẫn tổ chức chơi các trò chơi dân gian tại gia đình.
2. Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của biện pháp
Trò chơi dân gian là những trò chơi có tính chất tương tác mạnh mẽ, tạo được bầu không khí vui tươi, thân thiện. Hầu như trẻ có thể chơi các trò chơi dân gian ở mọi lúc, mọi nơi. Qua các trò chơi dân gian, trẻ sẽ được hình thành, phát triển các phẩm chất về thể lực, trí lực và tình cảm đạo đức.
Trò chơi dân gian là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt cho trẻ 4-5 tuổi. Những trò chơi này không chỉ giúp trẻ phát triển về thể chất mà còn nuôi dưỡng các kỹ năng xã hội, khả năng tư duy và tình cảm văn hóa.
* Cơ sở lý luận
- Trò chơi dân gian giúp trẻ vận động cơ thể, phát triển sức bền, sự linh hoạt và khả năng cân bằng.
- Trò chơi dân gian giúp trẻ học cách hợp tác, chia sẻ, kiên nhẫn và giải quyết xung đột. Qua đó, trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp, học cách tôn trọng luật lệ và cảm thông với người khác.
- Trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, đặc biệt khi thắng thua trong trò chơi, từ đó phát triển sự tự tin và khả năng kiểm soát cảm xúc.
- Trò chơi dân gian chứa đựng các giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời của dân tộc, giúp trẻ hiểu và tự hào về văn hóa bản địa. Việc tổ chức các trò chơi dân gian không chỉ bảo tồn mà còn truyền tải bản sắc văn hóa cho thế hệ tương lai.
- Trẻ em học tốt nhất thông qua trò chơi, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non. Các trò chơi dân gian vừa mang tính giáo dục vừa giải trí, giúp trẻ phát triển tự nhiên, không bị gò bó trong khuôn khổ học tập truyền thống. Điều này khuyến khích sự tự nguyện tham gia, giúp trẻ hứng thú và tăng cường sự tích cực trong quá trình học tập.
2. Cơ sở thực tiễn
- Trẻ 4-5 tuổi đã có khả năng tiếp thu luật chơi đơn giản và thực hiện các hoạt động phối hợp với bạn bè. Ở độ tuổi này, trẻ cũng có khả năng tập trung hơn, thích khám phá, sáng tạo và trải nghiệm. Vì vậy, trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi này giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng cá nhân và xã hội.
- Tại nhiều trường mầm non, các trò chơi dân gian thường được lồng ghép vào chương trình học và hoạt động ngoại khóa. Các trò chơi như ô ăn quan, kéo co, nhảy lò cò thường dễ tổ chức và không đòi hỏi thiết bị phức tạp. Tuy nhiên, giáo viên cần thiết kế trò chơi phù hợp với không gian và thời gian trong trường.
Việc tổ chức trò chơi dân gian không chỉ là phương pháp giáo dục mà còn là cách để truyền tải giá trị văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ. Những trò chơi này giúp trẻ phát triển toàn diện và mang lại niềm vui, sự hứng thú trong quá trình học tập. Qua các biện pháp trên, giáo viên và nhà trường có thể tạo môi trường học tập hiệu quả và ý nghĩa, giúp trẻ không chỉ phát triển về thể chất mà còn có sự gắn kết với văn hóa và cộng đồng.
3. Áp dụng biện pháp
3.1 Mô tả biện pháp
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tổ chức tốt các trò chơi dân gian cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non. Xuất phát từ những thuận lợi và khó khăn như trên, tôi đã suy nghĩ và tìm ra các biện pháp thích hợp để từng bước dẫn dắt trẻ tích cực tham gia vào các trò chơi dân gian. Để làm được điều đó tôi đã sử dụng một số biện pháp sau:
Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch, lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp với chủ đề, phù hợp với trẻ tạo hứng thú cho trẻ.
Trò chơi dân gian rất phong phú và đa dạng, không hẳn trò chơi nào cũng phù hợp với trẻ nhỏ. Vì thế, khi lựa chọn trò chơi dân gian tôi luôn cân nhắc và lựa chọn những trò chơi đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ đối với trẻ. Mỗi độ tuổi lại có mức độ nhận thức và khả năng chú ý có chủ định khác nhau, các trò chơi cũng cần phải được lựa chọn cho phù hợp với từng độ tuổi. Chính vì thế, ngay từ đầu năm học tôi bám sát kế hoạch giáo dục năm học, trên cơ sở nhận thức, khả năng của trẻ trên lớp lựa chọn những trò chơi dân gian phù hợp đưa vào kế hoạch thực hiện.
Căn cứ vào khả năng nhận thức của trẻ lớp mình, căn cứ vào kế hoạch thực hiện các hoạt động theo các chủ đề, tôi đã lựa chọn những trò chơi dân gian như:
TT | Chủ đề | Trò chơi dân gian |
1 | Trường mầm non | Nhảy bao; Thả đỉa ba ba; Kéo co; Bắn bi ... |
2 | Bản thân | Lộn cầu vồng, Nu na nu nống, … |
3 | Gia đình | Chi chi chành chành; Chốn tìm; Ô ăn quan… |
4 | PTGT | Rải rồng rải rết; Đua thuyền; Đua xe bò.. |
5 | Nghề ngiệp | Đi cà kheo; Ném còn; Kéo cưa lừa xẻ ... |
6 | Tết và mùa xuân | Ném còn; Cướp cờ; Đập niêu; Chơi đu... |
7 | Thế giới thực vật | Ô ăn quan; Tập tầm vông; Trồng nụ trồng hoa... |
8 | TGĐV | Rồng rắn lên mây; Mèo đuổi chuột; Bịt mắt bắt dê; Cắp cua bỏ giỏ; Câu ếch... |
9 | HTTN | Kéo co; Gánh nước qua cầu; Bắt vịt dưới ao; ... |
10 | Quê hương - Bác Hồ - Trường TH | Kéo cưa lừa xẻ; Nhảy dây; Cướp cờ. |
Đối với trẻ lớp tôi thể lực, ngôn ngữ, khả năng chú ý có chủ định và nhận thức của trẻ đã cao hơn so rất nhiều với lứa tuổi trước. Do đó tôi thường xuyên củng cố những trò chơi mà trẻ đã được thực hiện ở các độ tuổi trước. Đồng thời sưu tầm, lựa chọn những trò chơi có lời ca dài hơn và yêu cầu khó hơn để tổ chức cho trẻ chơi
Trẻ ở lứa tuổi mầm non thể hiện tính cách, sở thích của mình rất rõ ràng. Có trẻ thì thích sôi nổi, hoà đồng trong tập thể, nhưng lại có trẻ trầm tĩnh, nhút nhát. Vì vậy tôi luôn khuyến khích, động viên các trẻ trầm tính tham gia các trò chơi tập thể và đóng vai chính. Còn các cháu hiếu động tôi vẫn thường khuyến khích các cháu chơi những trò chơi tĩnh. Hoặc những bạn trai thì thường thích chơi: Kéo co, nhảy bao bố, đá cầu giấy... để thể hiện sức mạnh. Những bạn gái thì lại thích chơi những trò chơi: Chơi chuyền, nhảy dây, nu na nu nống... để thể hiện sự nữ tính.
Biện pháp 2: Chuẩn bị tốt các điều kiện trước khi tổ chức các trò chơi dân gian.
* Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi:
- Đồ dùng đồ chơi các trò chơi dân gian vô cùng đa dạng và phong phú mỗi đồ dùng, đồ chơi đều mang nét đặc trưng riêng. Nếu thiếu đồ dùng, đồ chơi thì trò chơi không thể thự chiện được. Chính vì vậy, khi tổ chức cho trẻ chơi một trò chơi dân gian có hiệu quả thì giáo viên phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi của trò chơi đó.
Ví dụ: Trò chơi “Bịt mắt bắt dê” cũng không thể được tổ chức nếu không có dải vải hoặc dải khăn bịt mắt. Trò chơi: “Nhảy bao bố” thì cô phải lựa chọn kích cỡ của bao bố sao cho phù hợp với chiều cao của trẻ để khi chơi trẻ không gặp trở ngại. đạt hiệu quả tốt.
*Chuẩn bị địa điểm để chơi:
- Để trò chơi đạt kết quả cao việc chuẩn bị địa điểm để tổ chức trò chơi rất quan trọng, bởi vì có trò chơi chỉ cần không gian nhỏ và tổ chức trong nhà như: Lộn cầu vồng, Cắp cua bỏ giỏ, Cơm canh rau muống…Nhưng có trò chơi lại cần không gian rộng như: Mèo đuổi chuột, Kéo co, Ném còn…nếu không chuẩn bị địa điểm ngoài trời sân chơi rộng thì trò chơi không đạt kết quả cao
* Dạy trẻ đọc thuộc lời ca:
Hầu hết các trò chơi dân gian đều có lời ca đặc trưng riêng của từng trò chơi, đó cũng chính là đặc điểm nổi bật thu hút người chơi tham gia vào trò chơi dân gian. Khi chơi trẻ không chỉ thực hiện vận động mà thường vừa chơi vừa hát hoặc đọc lời đồng dao làm như vậy không khí chơi càng thêm vui vẻ.
Ví dụ: Chơi “Chi chi chành chành”. Trẻ đọc: Chi chi chành chành - Cái đanh thổi lửa - Con ngựa đứt cương - Tam vương ngũ đế - Vác rế đi tìm - Ù à ù ập.
Lời đồng dao chẳng có mạch ý nào rõ ràng nhưng thiếu nó thì trò chơi không thể tiến hành. Lời đồng dao còn giúp trẻ phát âm rõ ràng chính xác và giáo dục tính tập thể. Từ những ví dụ trên ta thấy trò chơi dân gian chỉ tổ chức tổ khi trẻ thuộc lời đồng dao. Chính vì vậy tôi thường cho trẻ làm quen các bài đồng dao của các trò chơi dân gian trước khi tổ chức cho trẻ chơi. Tôi hướng dẫn trẻ vào các thười điểm như: hoạt động ngoài trời, giờ đón - trả trẻ, sinh hoạt chiều… khi trẻ thuộc lời tôi cho trẻ chơi với trò chơi tương ứng với lời đồng dao đó.
*Viết lời mới cho 1 số bài đồng dao:
Bản thân tôi nhận thấy rằng, nếu như trò chơi chỉ dừng lại ở những bài đồng dao vậy thì có phần hơi gò bó, trò chơi có lời đồng dao lại không phù hợp với chủ đề và trẻ cũng sẽ cảm thấy nhàm chán khi cứ chơi đi chơi lại một hình thức cũ như vậy. Vì vậy tôi đã mạnh dạn đưa ra biện pháp: Viết lời mới cho một số bài đồng dao kết hợp tổ chức cho trẻ chơi trò chơi dân gian tương ứng phù hợp với từng chủ đề, tạo cho trẻ nhiều cơ hội phát triển vốn từ, khả năng tư duy, sáng tạo và sự đoàn kết cũng như mở rộng thêm vốn kiến thức về các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Làm tăng hứng thú học tập cho trẻ, trẻ sẽ hiểu sâu, nhớ lâu cái mà do chính các bé được trải nghiệm từ thực tế của buổi vui chơi, hơn nữa còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ giao tiếp.
*Cải biên luật chơi:
Ngoài việc sáng tác lời mới cho các bài đồng dao, tôi luôn chú ý sưu tầm những trò chơi của người lớn để cải biên luật chơi, đồ dùng của trò chơi nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ, tạo sự an toàn, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ và phù hợp với chủ đề giáo dục.
Ví dụ: + Trò chơi “Đi cà kheo” với người lớn thì họ đi bằng hai cây gậy tre cao vút, nhưng đối với trẻ thì không an toàn nên tôi thay vào đó là những lon sữa hộp, gáo dừa, khối hộp...
+ Trò chơi “Bắt vịt dưới ao” theo đúng luật thì phải có ao và vịt thật, nhưng với các cháu của tôi, tôi đã vẽ một vòng tròn ở dưới sân làm ao, cho các bạn nhỏ đóng làm vịt. Các chú vịt bơi lội xung quanh, khi có người bắt vịt lội xuống thì các chú vịt phải chạy nhanh lên bờ kẻo bị bắt.
Biện pháp 3: Tổ chức các trò chơi phù hợp với tính chất của từng hoạt động.
Mỗi hoạt động của trẻ đều nhằm đạt được một mục đích nhất định vì thế hoạt động nào cũng có tính chất riêng của nó. Chính vì vậy, giáo viên cần chú ý lựa chọn và tổ chức các trò chơi dân gian cho phù hợp với tính chất của từng hoạt động.
- Đón và trả trẻ: Tôi luôn tận dụng mọi lúc, mọi nơi và lựa chọn những trò chơi mang tính nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ các trò chơi như: Chi chi chành chành, Kéo cưa lửa xẻ, Nu na nu nống…
- Thể dục sáng: Mỗi khi trẻ tập thể dục buổi sáng xong tôi thường tổ chức cho trẻ chơi những trò chơi nhẹ nhàng như: Lộn cầu vồng, Kéo cưa lửa xẻ, Oẳn tù xì…
- Hoạt động học: Khi tích hợp trò chơi dân gian trong hoạt động học, tôi lựa chọn trò chơi phù hợp với đặc điểm của từng môn học theo từng chủ đề, sắp xếp đan xen các hoạt động hợp lý nhằm tránh cho trẻ sự mệt mỏi và căng thẳng. Tôi lựa chọn những trò chơi nhẹ nhàng để phát triển nhận thức cho trẻ và để lồng ghép, chuyển tiếp từ hoạt động này sang hoạt động khác nhằm gây hứng thú cho trẻ. Khi cô và trẻ cùng chơi, cùng khám phá các hoạt động học tập được phối hợp nhịp nhàng sẽ tạo nên hiệu quả bất ngờ
Ví dụ, trò chơi dân gian được đưa vào đầu các tiết học sẽ kích thích sự hứng thú cho trẻ, đưa vào giữa các tiết học sẽ đóng vai trò chuyển tiếp, còn đưa vào cuối tiết học sẽ tạo cho trẻ cảm giác luyến tiếc với giờ học và tăng cường thêm hứng thú cho giờ học lần sau. Như vậy các hoạt động học tôi đều tìm một trò chơi dân gian phù hợp để trẻ lĩnh hội kiến thức một cách nhẹ nhàng.
- Hoạt động ngoài trời:
Mỗi trò chơi có một sắc thái riêng và quy luật riêng vì thế khi tổ chức cho trẻ chơi tôi luôn dựa vào tính chất, tác dụng của từng trò chơi dân gian, lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi và thời điểm. Đối với trò chơi dân gian nhằm phát triển các tố chất vận động, mang tính tập thể đòi hỏi phải có không gian rộng, nên tôi chọn tổ chức vào buổi hoạt động ngoài trời. Trò chơi dân gian thực sự lôi cuốn được trẻ bời những tiềng cười nói của tất cả các bạn cùng chơi như: Rồng rắn lên mây, Bịt mắt bắt dê, Nhảy lò cò, Mèo đuổi chuột, Cướp cờ…
- Hoạt động góc:
Trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển những nhóm cơ lớn mà còn giúp trẻ phát triển những nhóm cơ nhỏ như ngón tay điều này làm cho những nhóm cơ nhỏ của trẻ phát triển tốt, trẻ kheo léo hơn. Với hoạt động góc, tổ chức cho trẻ chơi trò chơi theo nhóm nhỏ trong không gian hẹp như: Chơi chuyền, Ô ăn quan, Cơm canh rau muống, Kéo cưa lửa xẻ, làm các con vật từ các lá cây như con mèo, con trâu, làm kèn, đồng hồ đeo tay, nhẫn... Trẻ rất hào hứng khi chính mình đã tự tạo được ra nhưng đồ chơi đó và được trực tiếp chơi.
- Hoạt động chiều:
Tổ chức một số trò chơi dân gian tĩnh nhằm phát triển nhận thức cho trẻ như: Ô ăn quan, Cơm canh rau muống, Chơi chuyền… Tổ chức cho trẻ giao lưu với nhau giữa các lớp, các khối như: Kéo co, Mèo đuổi chuột, Chua cà chua kiểm…
- Trò chơi dân gian trong ngày hội, ngày lễ:
Trò chơi dân gian không thể thiếu trong trường mầm non. Nhà trường tạo điều kiện cho trẻ được tham gia múa hát và chơi các trò chơi, đặc biệt là trò chơi dân gian rất được ưu tiên để đưa vào ngày hội như: Khai giảng, Chiến sĩ tí hon, Chợ xuân, Bé khỏe bé ngoan… nhằm ngấm sâu trong trẻ, giúp các cháu hứng thú và tích cực tham gia hoạt động. được chơi nhiều trò chơi dân gian trong những ngày hội ngày lễ giúp trẻ tự tin hơn. gần gũi nhau hơn, từ đó duy trì được trò chơi dân gian và lôi cuốn thu hút trẻ đến với TCDG nhiều hơn. giữ gìn bản sắc văn hóa dân tôc Việt Nam tốt hơn.
Biện pháp 4: Phối kết hợp với phụ huynh trong việc đưa trò chơi dân gian đến với trẻ.
Việc phối hợp với phụ huynh trong việc đưa trò chơi dân gian đến với trẻ mầm non là một cách hiệu quả để lan tỏa văn hóa truyền thống và hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ. Phụ huynh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện, khuyến khích trẻ tham gia, mà còn có thể trực tiếp tham gia và truyền tải các giá trị văn hóa qua trò chơi dân gian.
- Tạo cơ hội cho phụ huynh tham gia các buổi ngoại khóa về trò chơi dân gian.
Tổ chức các buổi sinh hoạt gia đình: Nhà trường có thể tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa dành cho gia đình, với nội dung là các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy dây, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê. Trong các hoạt động này, phụ huynh và trẻ có thể cùng nhau chơi, tạo không khí vui vẻ, gắn kết gia đình và lan tỏa niềm vui từ các trò chơi dân gian.
Ngày hội văn hóa dân gian: Nhà trường có thể tổ chức ngày hội văn hóa dân gian, mời phụ huynh tham gia và cùng thực hiện các trò chơi dân gian. Điều này không chỉ khuyến khích trẻ mà còn giúp phụ huynh hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống, từ đó có thể duy trì những trò chơi này ngay tại gia đình.
- Khuyến khích phụ huynh dạy và chơi trò chơi dân gian với trẻ tại nhà
Hướng dẫn phụ huynh các trò chơi dân gian đơn giản: Giáo viên có thể tổ chức các buổi gặp gỡ hoặc gửi tài liệu hướng dẫn các trò chơi dân gian đơn giản, dễ thực hiện tại nhà. Những trò chơi như ô ăn quan, bắn bi, nhảy lò cò đều dễ thực hiện và không cần nhiều dụng cụ, giúp phụ huynh dễ dàng áp dụng khi chơi với trẻ.
Gửi các tài liệu và video hướng dẫn trò chơi: Nhà trường có thể cung cấp tài liệu hoặc video hướng dẫn các trò chơi dân gian, để phụ huynh có thể thực hiện các trò chơi này với con. Hình thức này rất hữu ích cho những phụ huynh chưa quen với trò chơi dân gian, giúp họ có tài liệu tham khảo rõ ràng: đường linh thông tin điện tử facebook, palet website của nhà trường, zalo nhóm lớp, ….
+ Thông qua giờ đón - trả trẻ trao đổi với phụ huynh biết tầm quan trọng của trò chơi dân gian đối với trẻ. Hướng dẫn cho phụ huynh cho các con chơi trò chơi gì, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi nào. Nhờ phụ huynh dạy trẻ đọc thuộc lời đồng dao, lời ca của trò chơi dân gian;
+ Đến chủ đề nào thì giáo viên kết hợp với phụ huynh sưu tầm đồ dùng, nguyên liệu: tranh ảnh, lịch cũ, họa báo, hột hạt, chai lọ, vỏ ốc, lá cây, vải vụn…
+ Tận dụng góc tuyên truyền tôi đưa những bài đồng dao, lời ca của những trò chơi dân gian mà tôi cải biên để đưa vào góc tuyên truyền để mỗi khi phụ huynh đưa đón con sẽ học thuộc và về nhà dạy con em mình.
3.2 Ưu điểm, hạn chế của biện pháp
+ Ưu điểm:
- Biện pháp dễ thực hiện và nhân rộng tới tất cả các trường mầm non;
- -Trẻ mạnh dạn tự tin ,thông minh ,thích tham gia vào các trò chơi đặc biệt là các trò chơi dân gian.
- Trẻ được thực hành, trải nghiệm trong mọi hoạt động;
- Giáo viên tận dụng được tất cả thời gian để hướng dẫn, giáo dục trẻ về các trò chơi dân gian;
- Phụ huynh có thể kết hợp với giáo viên trong việc nâng cao tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ.
+ Hạn chế:
- Kỹ năng chơi trò chơi dân gian của một số trẻ còn hạn chế, chưa biết tạo nhóm chơi;
- Sĩ số lớp đông nên ảnh hưởng đến quá trình tổ chức chơi;
- Đa số cha mẹ trẻ làm công nhân trong khu công nghiệp, rất hạn hẹp về thời
gian, hầu hết trẻ ở với ông bà lên việc quan tâm phối kết hợp cùng cô giáo còn hạn chế.
3.3 Kết quả đạt được
- Giáo viên biết thêm được nhiều trò chơi dân gian của nhiều vùng quê khác nhau; nắm vững nội dung phương pháp, cách thức tổ chức của trò chơi dân gian. Từ đó trong quá trình tổ chức giáo viên linh hoạt, sáng tạo thu hút sự hứng thú tham gia của trẻ;
- 100% trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, kỹ năng chơi đoàn kết với các bạn. Biết thể hiện tình cảm giao lưu giữa bạn bè và cô giáo;
- Phụ huynh nhiệt tình, phấn khởi cùng các con sưu tầm họa báo, tranh ảnh, nguyên liệu... Qua đó tăng cường mối quan hệ, kết hợp giữa ga đình và nhà trường trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
III. Kết luận và khuyến nghị
1. Khả năng áp dụng, nhân rộng:
- Sáng kiến này của tôi đã áp dụng thành công tại lớp mình và tôi triển khai mở rộng ra áp dụng cho toàn khối 4T có thể nhân rộng tới các độ tuổi khác và các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn huyện và thành phố.
2. Bài học kinh nghiệm
Từ kết quả đạt được tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
- Có kế hoạch thực hiện trò chơi dân gian phù hợp với trẻ, với chủ đề. Giáo viên phải nắm vững phương pháp cách tổ chức;
- Công tác tham mưu, tuyên truyền vận động để có sự ủng hộ từ nhiều phía (Phụ huynh, lãnh đạo, đồng nghiệp)
- Tìm ra nhiều hình thức mới lạ khi tổ chức các trò chơi dân gian để thu hút, kích thích tạo hứng thù cho trẻ.
3. Đề xuất, kiến nghị
3.1. Đối với Phòng giáo dục
- Quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về cách tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ đạt kết quả cao;
- Cung cấp tài liệu, đồ dùng, đồ chơi để phục vụ cho hoạt động vui chơi của trẻ.
3.2. Đối với nhà trường
- Cần có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ và đồng thời xây dựng chuyên đề tổ chức các trò chơi cho dân gian cho trẻ;
- Tạo điều kiện cho giáo viên tham quan học tập ở các đơn vị bạn để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm;
- Đầu tư kinh phí mua một số trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi.
3.3. Đối với phụ huynh
- Phối kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong công tác tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ.
Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi trong việc tổ chức: “Một số biện pháp tổ chức tốt trò chơi dân gian cho trẻ 4-5 tuổi trong trường mầm non” nhưng trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ mắc một số thiếu sót về nội dung cũng như là hình thức trình bày. Rất mong các vị ban giam khảo tư vấn, giúp đỡ, đóng góp ý kiến cho bản báo cáo của tôi được hoàn thiện vững vàng hơn trên con đường truyền thụ kiến thức của mình đén với trẻ./.