BÁO CÁO BIỆN PHÁP
I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Bác Hồ đã từng nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Trẻ em khi còn nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh và cần sự chăm sóc yêu thương của gia đình và xã hội để trẻ phát triển tốt. Trẻ em trong độ tuổi 24 - 36 tháng (từ 2 đến 3 tuổi) là giai đoạn phát triển cảm xúc và xã hội mạnh mẽ. Đây là lúc trẻ bắt đầu hình thành sự nhận thức về thế giới xung quanh và mối quan hệ với người khác. Việc giúp trẻ cảm thấy hứng thú và yêu thích việc đến trường, lớp sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển về sau.
Nhiều trẻ ở độ tuổi này gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới như trường, lớp mầm non, dẫn đến cảm giác lo âu, sợ hãi hoặc không muốn đi học. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ. Khi trẻ được giúp đỡ để vượt qua sự sợ hãi khi đến trường, trẻ sẽ có thể phát triển khả năng tự lập, học cách tương tác với bạn bè và giáo viên. Vì vậy, việc tìm hiểu và áp dụng các biện pháp giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, hứng thú khi đến trường lớp là vô cùng quan trọng.
Việc kích thích sự hứng thú của trẻ sẽ không chỉ giúp phát triển cảm xúc mà còn hỗ trợ các lĩnh vực khác như nhận thức, thể chất và ngôn ngữ. Một môi trường học tập đầy đủ và sự chăm sóc tận tình chu đáo của cô sẽ giúp trẻ phát triển một cách toàn diện hơn. Khi đến trường trẻ sẽ bước sang một môi trường mới, cô giáo mới và bạn bè mới trẻ cảm thấy xa lạ, chưa thích nghi với chế độ sinh hoạt trong trường lớp.
Các phụ huynh có thể không nhận thức được mức độ ảnh hưởng của sự lo lắng khi trẻ phải đối mặt với việc đến trường lần đầu. Việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp giúp trẻ hòa nhập vào môi trường lớp học sẽ giúp phụ huynh hiểu hơn về tâm lý trẻ và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp tại nhà.
Nhận thức được điều đó, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ 24 - 36 tháng tuổi tôi đã mạnh dạn chọn “Một số biện pháp giúp trẻ trẻ nhà trẻ 24 - 36 tháng có cảm xúc hứng thú khi đến trường lớp mầm non”.
2. Đối tượng nghiên cứu
Trẻ lớp Nhà trẻ D1 trường mầm non Quang Trung.
3. Mục tiêu của biện pháp
- Việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi sẽ giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, hứng thú ….. từ đó tạo mối quan hệ thân thiết giữa cô và trẻ. Giúp trẻ cảm thấy an toàn gần gũi với cô giáo và các bạn, cảm nhận được sự yêu thương từ cô giáo dễ dàng thích nghi và có hứng thú đến trường lớp mầm non.
- Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, tạo cảm giác an toàn và yên tâm cho trẻ. Khi trẻ cảm thấy được yêu thương và chăm sóc, trẻ sẽ hứng thú hơn với việc đến trường.
- Giáo viên luôn thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động CSGD trẻ linh hoạt để tạo hứng thú cho trẻ đến lớp. Tạo cảm giác vui vẻ, kích thích sự tò mò, ham học hỏi, phát triển toàn diện các khía cạnh như cảm xúc (biết điều chỉnh cảm xúc, chia sẻ, bày tỏ cảm giác), xã hội (giao tiếp, hợp tác với bạn bè), nhận thức (học hỏi, phát triển tư duy) và thể chất (vận động, vui chơi).
- Phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc chuẩn tâm lý cho trẻ trước khi đến trường và phối hết hợp với các cô giáo trong mọi hoạt động để chăm sóc giáo dục trẻ đạt kết quả tốt nhất.
II. NỘI DUNG
1. Thực trạng (thực tế khi chưa thực hiện biện pháp)
Giai đoạn 24-36 tháng là thời kỳ chuyển tiếp quan trọng đối với trẻ, khi trẻ đang dần ra khỏi sự phụ thuộc vào bố mẹ và bắt đầu làm quen với môi trường xã hội. Sự thay đổi này có thể tạo ra nhiều khó khăn cho trẻ, vì trẻ vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc đến lớp và chưa quen với việc làm của bố mẹ. Chính vì vậy, là giáo viên mầm non tôi luôn trăn trở muốn tìm ra biện pháp giúp trẻ 24-36 tháng có cảm xúc hứng thú vui tươi khi đến trường lớp mầm non.
* Những điểm mạnh:
- Nhà trường đã bổ sung mua đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị phục vụ các hoạt động CSGD trẻ cũng như việc vui chơi của trẻ.
- Sắp xếp bố trí giáo viên phù hợp nhóm lớp độ tuổi
- Lớp học rộng rãi, thoáng mát
- Bản thân tôi luôn dành thời gian nghiên cứu Chương trình GDMN 24-36 tháng tuổi, hiểu tâm lý của trẻ, nhất là những trẻ mới vào trường còn nhút nhát hoặc khó thích nghi.
* Những vấn đề còn tồn tại:
- Trẻ còn lạ lẫm khó thích nghi với môi trường khi xa bố mẹ.
- Do tâm lý của trẻ còn lo lắng, sỡ hãi, không cảm thấy an toàn khi phải tiếp xúc với cô giáo mới, bạn mới.
- Trẻ chưa quen với việc học tập, nề nếp sinh hoạt ở trường. Mỗi ngày bé phải đến lớp, ở lớp sinh hoạt và học tập cả ngày. Trước giờ trẻ chưa từng làm điều này sẽ khiến cho bé sợ hãi và quấy khóc, không chịu ăn.
- Giáo viên chưa linh hoạt, khéo léo, chưa thường xuyên chủ động trao đổi với phụ huynh về tình trạng hoặc những biểu hiện tâm lý, cảm xúc của trẻ nhỏ mới đến trường lớp như sợ hãi, quấy khóc, cưa hợp tác với cô
2. Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của biện pháp
Trẻ em trong độ tuổi mầm non 24-36 tháng đang ở giai đoạn phát triển quan trọng về cảm xúc và xã hội. Theo lý thuyết phát triển của Erik Erikson, ở giai đoạn này, trẻ trải qua "giai đoạn lòng tin đối diện với nghi ngờ" (từ 0-3 tuổi), tức là trẻ cần cảm giác an toàn và sự yêu thương từ người chăm sóc. Sự an toàn tâm lý này là nền tảng quan trọng giúp trẻ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng học hỏi, khám phá. Nếu môi trường trường học không tạo cảm giác an toàn, trẻ sẽ không cảm thấy hứng thú với việc đến trường.
Trẻ ở độ tuổi 24-36 tháng tuổi đang sống trong sự bao bọc, che chở của gia đình, chưa được tiếp xúc nhiều người trong xã hội. Trẻ ở độ tuổi này còn rất non nớt nên khi đi học sớm các con sẽ khóc nhiều.
Một môi trường học tập có cảm giác an toàn, thân thiện giúp trẻ yên tâm khám phá và phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc cần thiết. Trẻ nên được học tập trong môi trường tự nhiên, thân thiện với các hoạt động được thiết kế phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ. Một môi trường mầm non hấp dẫn, với các hoạt động đa dạng và thân thiện, giúp trẻ nhỏ không chỉ học hỏi mà còn có những cảm xúc vui vẻ khi đến lớp.
Tầm quan trọng của sự gắn kết giữa trẻ và người chăm sóc. Một mối quan hệ gắn bó, đáng tin cậy với giáo viên là cơ sở giúp trẻ cảm thấy yên tâm, vui vẻ khi ở lớp. Sự thoải mái, không căng thẳng giúp trẻ cảm thấy yêu thích việc đến lớp và sẵn sàng khám phá.
Làm thế nào giúp trẻ hứng thú khi đến lớp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo cảm xúc ban đầu của trẻ với môi trường mới và giúp trẻ sớm thích với trường lớp là công việc đòi hỏi giáo viên phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ, biết lắng nghe và tôn trọng trẻ, biết tạo mọi điều kiện cho trẻ hoạt động trong môi trường an toàn. Để trẻ trở thành người thích khám phá, tìm tòi, sáng tạo, tự tin và luôn được người xung quanh yêu thương, gần gũi.
Sự thay đổi mối quan hệ của trẻ từ gia đình người thân quen với trẻ từ khi trẻ sinh ra, đến khi trẻ bắt đầu đến trường là một môi trường hoàn toàn mới lạ, trẻ sẽ dẫn đến tâm lý lo lắng, sợ hãi, nhút nhát, rụt rè. Việc tạo cảm xúc hứng thú vui tươi khi trẻ bắt đầu đến trường lớp mầm non về mặt tâm lý là một tiền đề cần thiết, quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại, sự tụ tin hay lo sợ ở trẻ, nếu chưa chuẩn bị đầy đủ trẻ sẽ chán đến lớp, không thích đi học, sợ đi học. Ngược lại, nếu trẻ được chuẩn bị các điều kiện về tâm lý trẻ sẽ dễ dàng thích ứng với môi trường mới, môi trường học tập ở trường mầm non.
3. Áp dụng biện pháp
3.1. Mô tả biện pháp, cách tiến hành thực nghiệm sư phạm của biện pháp
Từ thực trạng của trẻ nhà trẻ nói chung và trẻ lớp tôi nói riêng về việc giúp trẻ nhà trẻ 24-36 tháng có cảm xúc hứng thú vui tươi khi đến trường lớp mầm non tôi đưa ra những biện pháp sau:
Biện pháp 1: Xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi và an toàn.
Môi trường học tập là yếu tố quan trọng giúp trẻ cảm thấy thoải mái, an toàn và thích thú khi đến trường, đặc biệt là đối với trẻ mầm non (từ 24-36 tháng tuổi). Việc xây dựng một môi trường học tập hấp dẫn, sáng tạo và đầy đủ các yếu tố kích thích sự tò mò, khám phá sẽ giúp trẻ hứng thú với việc học và vui vẻ tham gia các hoạt động. Tạo không gian học tập gần gũi, thân thiện và an toàn giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ dàng thích nghi với môi trường mới.
Tôi sử dụng các màu sắc tươi sáng nhưng nhẹ nhàng, tạo cảm giác ấm áp, dễ chịu. Các khu vực học tập, chơi đùa và nghỉ ngơi cần được phân chia rõ ràng nhưng không có sự ngăn cách quá mức để trẻ không cảm thấy cô đơn hay tách biệt.
Trang trí lớp học bằng hình ảnh gần gũi với trẻ như chủ đề gia đình tôi trang trí lớp bằng hình ảnh gia đình trẻ, ảnh của trẻ khi ở nhà,... sẽ giúp trẻ cảm thấy lớp học sinh động và thân thiện hơn. Đồ dùng đồ chơi trong lớp học an toàn cho trẻ, không có góc nhọn, vật sắc nhọn hay vật liệu dễ gây nguy hiểm. Trẻ cần có đủ không gian để di chuyển, vui chơi mà không cảm thấy bị bó hẹp.
Các góc trong lớp bày đồ chơi phát triển trí tuệ, trò chơi xây dựng, đồ vật mô phỏng như bộ đồ chơi bác sĩ, nấu ăn, vẽ tranh... giúp trẻ vừa chơi vừa học. Đảm bảo rằng các đồ dung đồ chơi, nguyên vật liệu học tập đa dạng, từ đồ chơi xếp hình đến tranh truyện, sẽ khuyến khích sự sáng tạo của trẻ. Tạo cơ hội để trẻ lựa chọn hoạt động, đồ chơi, trò chơi trẻ thích như vẽ tranh, chơi cát, đồ chơi xây dựng, ... Điều này giúp trẻ phát triển sự tự tin và thích thú với môi trường lớp học.
Biện pháp 2: Xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cô và trẻ.
Như chúng ta đã biết, cấp học mầm non của chúng ta là cấp học đầu tiên mà trẻ bắt đầu xa vòng tay của bố mẹ, xa người thân trong gia đình. Trẻ bước vào môi trường lớp học hoàn toàn mới mẻ và đặc biệt bản thân tôi ở lớp nhà trẻ lại càng cần phải có “cái tâm đối với nghề” vì đặc điểm của trẻ nhà trẻ là thụ động với mọi thứ, trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào các cô, vào người lớn. Cô giáo nên dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu tâm lý của từng trẻ, nhất là những trẻ mới vào trường còn nhút nhát hoặc khó thích nghi. Hãy kiên nhẫn làm quen, tạo cảm giác an toàn và thân thiện cho trẻ.
Bằng những cách khác nhau, giáo viên phải là người tạo ra không khí đầm ấm của một gia đình, tạo ra sự gần gũi, thân thương giữa cô và trẻ. Cô thể hiện cử chỉ thân thiện như nắm tay, xoa đầu, cười nhẹ nhàng để trẻ cảm thấy cô giáo giống như người mẹ thứ hai, từ đó giúp trẻ yêu thích việc đến trường.
Giáo viên luôn phải giao tiếp ứng xử với trẻ bằng thái độ cởi mở, vui tươi trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và dễ dàng tiếp cận với cô giáo, cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và luôn gần gũi với cô. Trẻ em ở độ tuổi này thường không thể bày tỏ cảm xúc bằng lời nói, do đó giáo viên cần phải quan sát cẩn thận và hiểu được những biểu hiện cảm xúc của trẻ như khóc, không muốn chơi, không chịu xa mẹ... Khi hiểu được cảm xúc của trẻ, cô giáo sẽ có cách tiếp cận phù hợp, giúp trẻ cảm thấy được an ủi và hiểu rằng cảm xúc của mình là quan trọng.
Cô giáo cần kiên nhẫn và không ép buộc trẻ phải tham gia vào các hoạt động nếu trẻ không sẵn sàng. Thay vào đó, cô có thể tạo ra những cơ hội dần dần để trẻ tham gia vào lớp học một cách tự nhiên. Cô giáo có thể giúp trẻ học cách thể hiện cảm xúc của mình qua ngôn ngữ cơ thể, từ đó giúp trẻ cảm thấy được yêu thương. Ví dụ, khi trẻ buồn, cô có thể nhẹ nhàng đến gần vỗ về ôm ấp. Giáo viên cần duy trì một thái độ vui vẻ, lạc quan và yêu mến công việc. Sự nhiệt tình và năng lượng tích cực của cô giáo sẽ lan tỏa tới trẻ, giúp trẻ cảm thấy vui vẻ khi đến lớp.
Giáo viên làm việc bằng cả cái tâm sẽ tạo ra môi trường học tập cởi mở, thân thiện và không có sự phân biệt. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người chăm sóc, nuôi dưỡng sự phát triển cảm xúc, xã hội và tinh thần của trẻ. Khi giáo viên thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, động viên kịp thời trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và yêu thích việc đến trường.
Biện pháp 3: Thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động thu hút trẻ.
Bản thân tôi và các giáo viên trong lớp luôn muốn thay đổi hình thức để tạo hứng thú, lôi cuốn trẻ vào các hoạt động hàng ngày.
* Hoạt động đón trả trẻ:
Xây dựng thói quen đón trẻ với sự chào đón ấm áp và thân thiện. Mỗi sáng, cô giáo nên dành thời gian chào đón trẻ bằng nụ cười, cái ôm nhẹ nhàng hoặc những lời hỏi thăm dịu dàng để trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương khi xa bố mẹ. Tạo sự gắn kết ban đầu bằng cách để trẻ tham gia các hoạt động yêu thích ngay từ lúc đến lớp, như đọc truyện, hát bài hát trẻ thích, hay chơi với đồ chơi yêu thích. Cô giáo nên tạo cho trẻ thói quen đi học vui vẻ, như khi bước vào lớp chào hỏi các bạn, chơi cùng cô, hát cùng bạn bè. Những thói quen này sẽ giúp trẻ dần dần cảm thấy việc đến trường là một phần tự nhiên trong cuộc sống của mình.
* Hoạt động chơi tập có chủ đích:
Ở độ tuổi này, trẻ dễ bị nhàm chán nên giáo viên cần thường xuyên đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động linh hoạt khéo léo gây hứng thú tạo cảm giác hào hứng khi đến lớp. Tôi luôn thu hút trẻ vào những bài thơ, câu chuyện, ca dao, đồng dao nhằm tạo sự quen thuộc như trẻ đang ở nhà với mẹ. Ngoài ra tôi còn ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong giảng dạy như PowerPoint, Capcut,…
Mỗi khi trẻ tham gia tốt một hoạt động, giáo viên nên dùng những lời khen ngợi và động viên kịp thời như tặng các phần thưởng nhỏ hình dán, sticker,... khiến trẻ cảm thấy hào hứng và vui vẻ.
* Trong hoạt động ngoài trời
Để giúp trẻ thoải mái hơn sau những giờ học, phát triển tốt về mặt thể chất và tinh thần tôi tổ chức hoạt động chơi theo ý thích như chơi với bóng, chơi với các nguyên vật liệu thiên nhiên, nguyên vật liệu tạo hình….
Sử dụng các trò chơi vận động nhẹ nhàng và đa dạng như nhảy, chạy, trườn bò, ném bóng giúp trẻ phát triển thể chất tạo cảm giác vui tươi. Tổ chức trò chơi dân gian đơn giản như nu na nu nống, dung dăng dung dẻ,…, giúp trẻ có cảm giác thân quen và vui vẻ khi hòa mình vào các trò chơi. Cô giáo có thể kết hợp vận động nhẹ nhàng với âm nhạc bằng cách cho trẻ nhảy múa theo nhạc vui tươi hoặc hát cùng trẻ để khuyến khích sự tự tin và giúp trẻ vui vẻ.
* Hoạt động chơi tập theo ý thích
Đến giờ chơi ở các góc, tôi dắt trẻ đến các góc cho trẻ nhận diện, và hỏi trẻ, con thích chơi ở góc nào? Con thích chơi trò chơi gì ở góc này…Hôm nay, con có thích làm bác bán hàng không? Hay con thích làm mẹ (làm bố, làm con….). Tôi khơi gợi sự tò mò và hứng thú ở trẻ. Từ đó, tôi thấy trẻ say mê với các trò chơi ở các góc mà không quấy khóc nữa.
* Thường xuyên đánh giá và điều chỉnh biện pháp. Giáo viên nên quan sát và đánh giá phản ứng của trẻ đối với từng biện pháp để hiểu rõ mức độ hứng thú và điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tất cả trẻ đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi đến trường.
Sau khi áp dụng biện pháp trên, tôi thấy trẻ trong lớp ngoan, hứng thú tham gia các hoạt động cùng cô. Do đó tạo được sự hứng thú, niềm vui cho các con khi tới lớp học, trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động và không quấy khóc nữa. Với việc tổ chức các hoạt động hấp dẫn cho trẻ tôi thấy trẻ thoải mái, mạnh dạn hơn nói rõ ràng hơn khi giao tiếp với bạn, với cô.
Biện pháp 4: Công tác phối hợp với phụ huynh
* Chuẩn bị tâm lý cho trẻ
Để tạo cảm xúc hứng thú vui tươi cho trẻ khi đến trường lớp mầm non và chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ tốt thì giáo viên phải có sự kết hợp với phụ huynh để cùng thống nhất và thực hiện.
Lần đầu trẻ đi học, các cha mẹ chuẩn bị rất nhiều thứ cho con mình. Nhưng có một thứ rất quan trọng lại hay bị bỏ quên hoặc xem nhẹ: Đó chính là chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đến trường. Sự thay đổi giữa môi trường gia đình và trường học có tác động không nhỏ tới tâm lý trẻ. Có thể nhận thấy một cách rõ ràng là về mặt cảm xúc, các bé ở tuổi nhà trẻ còn phụ thuộc nhiều vào người lớn. Khi đến trường mầm non, đối diện với môi trường xa lạ, nề nếp sinh hoạt mới, cô giáo mới cùng với việc xa bố mẹ thường để lại cho bé tâm lý sợ hãi, quấy khóc.
Trước khi con được đến trường, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện về trường mầm non và chủ động cho con làm quen với môi trường mới bằng cách dẫn con đến tham quan trường học và trải nghiệm không gian học tập, gặp gỡ cô giáo và các bạn. Khi cho con đến làm quen, ba mẹ trò chuyện với giáo viên về thói quen, tính cách của con để các cô hiểu rõ hơn về bé.
Ngày đầu đi học đối diện với một môi trường lạ lẫm trẻ sẽ lo lắng, sợ hãi. Bố mẹ hãy dành ra vài phút ôm con vào lòng, trấn an con rằng bố mẹ sẽ không đi xa, sẽ ở bên ngoài lớp học để dõi theo con và đón con về vào cuối ngày. Thời gian chào tạm biệt con cũng không nên quá lâu sẽ khiến bé cảm thấy bất an khi phải rời xa ba mẹ, bịn rịn hơn. Khi đưa bé vào lớp, nếu bé có khóc đòi về mẹ cũng đừng quay trở lại, các cô sẽ có cách để dỗ con.
Khi đón bé vào cuối ngày, ba mẹ hãy dành lời khen ngợi cho bé rằng "Hôm nay con giỏi quá", động viên bé hãy tiếp tục phát huy vào những ngày hôm sau. Để bé nhận thấy rằng, việc đi học không hề đáng sợ và bé đang làm một việc rất tốt. Phụ huynh cần kiên nhẫn và giữ thái độ tích cực trong suốt quá trình chuẩn bị. Nếu phụ huynh thể hiện sự lo lắng hoặc không chắc chắn về việc trẻ đi học, trẻ có thể cảm nhận được và càng thêm lo sợ. Vì vậy, phụ huynh cần thể hiện sự tự tin và sẵn sàng khi nói về việc đi học.
Phụ huynh và giáo viên nên duy trì liên lạc thường xuyên để theo dõi sự phát triển tâm lý của trẻ. Nếu trẻ có bất kỳ khó khăn nào trong việc thích nghi với môi trường trường lớp, giáo viên và phụ huynh cần phối hợp để tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời. Phụ huynh cũng có thể chia sẻ với trẻ về những điều thú vị mà trẻ sẽ học trong những ngày tới để trẻ cảm thấy phấn khởi hơn.
Việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi đến trường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên. Khi cả hai bên cùng hiểu rõ những cảm xúc, nhu cầu và sự lo lắng của trẻ, việc giúp trẻ hòa nhập và yêu thích trường lớp sẽ trở nên dễ dàng hơn. Phụ huynh không chỉ là người chuẩn bị tinh thần cho trẻ mà còn là người bạn đồng hành, hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng một môi trường học tập an toàn, vui vẻ và đầy hứng thú.
* Công tác tuyên truyền
Công tác tuyên truyền là một việc không thể thiếu được trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Chính vì thế ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi đã tuyên truyền cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc tạo tâm thế cho trẻ khi đến trường.
Tạo kênh trao đổi thường xuyên với phụ huynh: zalo, facebook, website, fanpace, padlet,…. Do đặc điểm lớp tôi có nhiều cháu lần đầu tiên đến lớp vì vậy không chỉ các cháu bỡ ngỡ mà các bậc phụ huynh cũng rất lo lắng khi đưa con đến trường. Tôi chủ động lên kế hoạch trò chuyện và thống nhất với phụ huynh về cách động viên, chăm sóc giáo dục trẻ thế nào cho phù hợp.
Giáo viên thường xuyên trao đổi, trò chuyện trực tiếp với phụ huynh động viên trẻ đến lớp, cho con đi học đều. Phối hợp cùng phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các con để đảm bào cho các con luôn có một sức khỏe tốt để đến trường. Đối với một số trẻ hay quấy khóc, nhút nhát tôi trực tiếp trao đổi riêng với cha mẹ trẻ hiểu hơn về trẻ và phối hợp với phụ huynh động viên con nhiều hơn.
Nhờ việc phối hợp chặt chẽ với phụ huynh như đã nói trên nên các con đã nhanh chóng thích nghi được với môi trường mới, thích đi học. Phụ huynh đã phối hết hợp với giáo viên trong mọi hoạt động và nắm bắt tình hình của trẻ ở lớp để cùng chăm sóc giáo dục trẻ đạt kết quả tốt nhất.
3.2 Ưu điểm và hạn chế của biện pháp
a. Một số ưu điểm
Tạo môi trường giáo học tập thân thiện, gần gũi.
Giáo viên nắm chắc được tâm lý của từng trẻ, có kinh nghiệm nâng cao tỷ lệ trẻ mầm non đến lớp.
Nâng cao được kinh nghiệm trong giảng dạy, cũng như việc chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày.
Trẻ giao tiếp mạnh dạn hơn, thích đi học, tích cực đến lớp hơn.
Trẻ cảm thấy an toàn, hứng thú khi đến lớp
Phụ huynh yên tâm giao con cho cô giáo hơn.
b. Những tồn tại hạn chế
Do phụ huynh bận rộn với công việc nên không đưa đón trẻ thường xuyên giao phó cho ông bà nên việc trao đổi trực tiếp với bố mẹ còn hạn chế. Các cô trao đổi thông qua ông bà và thông qua điện thoại với bố mẹ về các hoạt động của trẻ ở lớp nên chưa tạo được tình cảm nhiều với bố mẹ trẻ.
3.3 Kết quả đạt được sau khi áp dụng biện pháp
- Đối với trẻ:
Trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái khi đến trường, có cảm xúc tích cực khi được nhắc đến lớp học.
Trẻ có tình cảm gần gũi với cô giáo, bạn bè và hứng thú với các hoạt động hàng ngày tại lớp và tích cực tham gia các hoạt động.
Trẻ đi học đều tỷ lệ chuyên cần cao.
- Đối với giáo viên:
Giáo viên nắm rất chắc nội dung, phương pháp giáo dục để tạo hứng thú cho trẻ đến lớp. Giúp tôi có những hiểu biết hơn về đặc điểm tâm sinh lý, cảm xúc của trẻ.
Cô thực sự là bạn của trẻ, trẻ đến lớp thấy thích thú, có tình cảm với cô với các bạn.
- Đối với phụ huynh:
Các bậc phụ huynh ngày càng tin tưởng vào cô giáo, cởi mở hơn, yên tâm gửi con đến trường lớp. Từ đó, phụ huynh chủ động phối hợp với giáo viên trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
III. Kết luận và khuyến nghị
1. Khả năng triển khai rộng rãi của biện pháp.
Việc giúp trẻ 24-36 tháng tuổi có cảm xúc hứng thú đến trường mầm non là một việc làm vô cùng cần thiết. Vì vậy giải pháp này đã được Hội đồng sư phạm nhà trường đánh giá cao và đã được áp dụng cho tất cả các lớp nhà trẻ của nhà trường nơi tôi công tác.
2. Bài học kinh nghiệm
Để làm tốt việc giúp trẻ 24-36 tháng tuổi có cảm xúc hứng thú đến trường lớp mầm non. Giáo viên, nhà trường và gia đình trẻ phải có sự thống nhất trong toàn bộ quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ ở cả hai môi trường: nhà trường và gia đình. Cô giáo như người mẹ hiền quan tâm chăm sóc dạy dỗ trẻ.
3. Đề xuất, kiến nghị
Trên đây là một số biện pháp mà tôi đã áp dụng. Rất mong được sự chia sẻ, trao đổi, đóng góp ý kiến của Ban giám khảo và các bạn đồng nghiệp để bản báo cáo của tôi ngày càng hoàn thiện hơn.