Yếu tố gia đình: Gia đình và môi trường xung quanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chậm nói của bé. Nếu có áp lực hoặc thiếu hỗ trợ ngôn ngữ từ gia đình, bé có thể chậm phát triển ngôn ngữ.
Phương pháp dạy trẻ 2 tuổi tập nói hiệu quả
Nếu như mẹ đang cảm thấy con 2 tuổi chậm nói hoặc nói ít thì đừng quá lo lắng mà hãy tìm những giải pháp hiệu quả để cải thiện. Có nhiều cách để giúp bé có thể phát triển ngôn ngữ tốt hơn, mẹ hãy tham khảo những phương pháp đề xuất dưới đây nhé!
Cách dạy trẻ 2 tuổi tập nói – Tạo môi trường giao tiếp
Như đã nói ở trên, môi trường đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ngôn ngữ ở trẻ. Gia đình là nơi con được sống và tương tác nhiều nhất trong những năm đầu đời. Trẻ con thường học và bắt chước từ người lớn, việc lắng nghe và phát âm cũng tương tự như vậy. Do đó, nếu như người lớn ít giao tiếp với con thì con sẽ không học cách trò chuyền và giao tiếp. Con sẽ hình thành một thói quen trong vô thức là im lặng.
Vì vậy, cha mẹ hãy chú ý xây dựng một môi trường sống có sự giao tiếp, tương tác với nhau và với con. Dù công việc có bận rộn tới đâu thì cũng đừng quên thường xuyên âu yếm và nói chuyện hằng ngày với con ba mẹ nhé!
Dạy bé 2 tuổi tập nói – Đọc sách cho bé nghe
Đọc sách cho bé nghe cũng là một phương pháp hữu ích giúp trẻ cải thiện được ngôn ngữ. Thông qua những cuốn sách, cuốn truyện con có thể lắng nghe được rất nhiều từ vựng mới, tăng thêm sự hiểu biết và cảm thấy thích thú với chúng. Mẹ hãy thường xuyên đọc sách cho bé, nhất là vào thời gian buổi tối trước khi ngủ. Điều này vừa giúp bé nhanh phát triển ngôn ngữ, vừa tạo được giấc ngủ ngon cho con.
Khi đọc sách cho bé, mẹ hãy chú ý chọn những đầu sách/truyện có hình ảnh sáng tạo, bắt mắt và câu chuyện đơn giản, ngắn gọn. Ngoài ra, mẹ cũng nên sử dụng giọng điệu và biểu cảm khi đọc sẽ giúp con hứng thú và dễ hiểu hơn.
Học nói cho bé 2 tuổi – Chơi trò chơi ngôn ngữ
Trẻ nhỏ thường dễ bị hấp dẫn bởi những trò chơi nên mẹ hãy cân nhắc việc cho bé chơi những trò chơi để phát triển ngôn ngữ. Dưới đây là một số ý tưởng về trò chơi ngôn ngữ mà mẹ có thể áp dụng:
- Đồ chơi từ vựng: Sử dụng đồ chơi có chữ cái, hình ảnh hoặc từ vựng để bé tìm hiểu và tạo mối quan hệ với ngôn ngữ. Ví dụ, mẹ có thể dùng bảng chữ cái nhựa, bộ đồ chơi hình ảnh động vật hoặc các chiếc thẻ từ vựng để bé học và nhớ từ.
- Trò chơi phù hợp với ngôn ngữ: Chơi các trò chơi như “Ai là ai?”, “Tìm đồ vật” hoặc “Đặt tên” để khuyến khích bé nói và sử dụng từ ngữ. Ví dụ, hỏi bé “Đây là ai?” khi đang xem ảnh gia đình và khuyến khích bé nhận dạng và nói tên của mỗi người.
- Bài hát và vần điệu: Lời bài hát và vần điệu giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ và phản xạ ngôn ngữ. Mẹ có thể chọn các bài hát phù hợp với lứa tuổi của con như “Bé yêu cây xanh”, “Con cò bé bé” hoặc “Con chim non” để bé học và hát theo.
- Trò chơi nhắc lại: Cho bé nhắc lại một danh sách đơn giản các đồ vật hoặc từ ngữ mà mẹ nêu ra. Những điều nhắc lại là những đồ vật, sự vật, sự việc thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày sẽ giúp bé luyện kỹ năng nhớ và nói.
Bé 2 tuổi học nói – Sử dụng hình ảnh minh họa
Cũng giống như trò chơi ngôn ngữ ở trên, khi mẹ dạy bé tập nói về một chủ thể hay đồ vật, hiện tượng nào đó hãy giới thiệu kèm hình ảnh minh họa cho bé. Mẹ có thể sử dụng ảnh in ra, hoặc đồ chơi có hình dạng phù hợp với từ ngữ đó. Đôi khi, mẹ có thể làm những hành động để mô tả lại lời nói.
Việc sử dụng hình ảnh không chỉ giúp con nhớ được từ ngữ mà còn giúp con phát triển về thị giác lẫn trí tuệ. Con có thể ghi nhớ những gì được chỉ và nhanh chóng học theo những từ ngữ đó. Khi gặp lại hình ảnh minh họa, con có thể tự tin gọi tên chúng.
Đặt ví dụ và mô tả
Với những từ ngữ mang tính trừu tượng và phức tạp thì con khó có thể hiểu được ngay. Nếu như nói với bé “tình cảm” “vui vẻ” “hạnh phúc”, con sẽ không thể biết được đó là gì. Lúc này, mẹ sẽ cần đến ví dụ và mô tả thông qua những từ ngữ đơn giản hơn để con hiểu dần dần. Ví dụ như mẹ có thể mô tả “vui vẻ” là lúc con cười, lúc con chào đón bố đi làm về, lúc con được ăn món ngon.
Có thể ban đầu, khi cho con học nói những từ ngữ phức tạp con sẽ không thể hiểu được ngay và không biết cách diễn đạt như thế nào. Do đó, điều này đòi hỏi mẹ phải kiên trì và tận dụng những hành động hằng ngày để mô tả lại cho con dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Lắng nghe và phản hồi lại bé
Lắng nghe và phản hồi lại bé tưởng chừng như là một việc không mấy quan trọng nhưng thực sự rất cần thiết, nếu như mẹ muốn bé phát triển ngôn ngữ tốt. Khi con 2 tuổi chưa thể nói được câu hoàn chỉnh và thường nói những câu không có chủ đích. Con hay gọi “mẹ” nhưng không muốn gì cả.
Mẹ đừng vội thờ ơ và kệ cho bé nói một mình mà hãy phản hồi lại bé. Việc này sẽ giúp con thích thú hơn trong việc phát âm, con sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi lần nói đều được người lớn quan tâm và trò chuyện cùng. Bên cạnh đó, việc lắng nghe và phản hồi lại con sẽ giúp con cảm nhận được tình yêu. Nhiều trường hợp, trẻ 2 tuổi bị mắc chứng tự kỷ cũng do một phần không có sự tương tác từ người lớn.
Cho con đi lớp mẫu giáo
Lớp mẫu giáo cũng là một môi trường mà ở đó khả năng ngôn ngữ của con được phát triển vượt bậc. Có rất nhiều trường mầm non nhận trẻ ngay từ 18 tháng. Do đó, con 2 tuổi mẹ hoàn toàn có thể yên tâm gửi con đến trường
Ở trường học, con có bạn bè và thầy cô sẽ giúp con được giao tiếp nhiều hơn, được học tập nhiều hơn và vui chơi nhiều hơn ở nhà. Trường học không chỉ giúp con tập nói nhanh mà còn giúp con phát triển mọi giác quan và trí tuệ một cách toàn diện.
Ngoài ra, có nhiều trường học áp dụng những phương pháp giảng dạy như Montessori, Steam, Steiner, Reggio Emilia,… Đây là những phương pháp giúp con có được những năm đầu đời ý nghĩa, phát triển mọi mặt.
Những điều cần tránh khi dạy bé 2 tuổi học nói
Con 2 tuổi chậm nói là điều khiến gia đình nào cũng sẽ cảm thấy lo lắng, bồn chồn và chỉ muốn cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, ba mẹ cũng đừng quá nóng vội trong việc dạy con tập nói vì đôi khi sẽ làm ảnh hưởng đến trẻ. Dưới đây là một số những điều nên tránh khi ba mẹ dạy bé tập nói:
1. Áp lực quá lớn
Tránh đặt áp lực quá lớn lên bé, mẹ không nên thúc ép trẻ phải nói. Điều này sẽ khiến con bị ám ảnh và càng gây ra thái độ chống đối ở trẻ. Mỗi trẻ phát triển theo tốc độ riêng, vì vậy không nên so sánh bé với những tiêu chuẩn quá cao hoặc đòi hỏi bé phải nói đúng từng âm, từng từ ngữ.
2. Quá nhiều chỉ trích
Tránh chỉ trích hay quở trách bé khi bé sai lỗi ngôn ngữ hoặc phát âm. Thay vào đó, mẹ hãy tập trung vào việc khuyến khích và ủng hộ bé, dành sự khen ngợi khi bé cố gắng và cải thiện. Việc khen ngợi sẽ giúp bé cảm thấy được yêu thương và có động lực nhiều hơn trong việc cố gắng học nói.
3. Bỏ qua cảm xúc bé
Mẹ đừng bỏ qua hoặc coi thường cảm xúc và cảm nhận của bé. Mẹ cũng đừng nghĩ rằng con còn nhỏ chưa hiểu gì cả. Con chỉ là chưa biết cách biểu hiện ra bên ngoài và thổ lộ bằng ngôn từ, nhưng bên trong con đã hình thành được những cảm xúc nhất định. Việc thờ ơ hay không quan tâm sẽ làm con bị tổn thương và trong vô thức sẽ hình thành thói quen không muốn nói chuyện. Do đó, hãy luôn lắng nghe và tương tác với bé khi bé muốn diễn đạt hoặc giao tiếp.
4. Thiếu thời gian tương tác
Có rất nhiều gia đình, bố mẹ đều đi làm cả ngày và thường để bé tự chơi nhiều hơn là giao tiếp với con. Mẹ không nên để bé một mình Gia đình nên dành thời gian để tương tác, nghe bé nói chuyện, trả lời các câu hỏi và khuyến khích trẻ tham gia vào cuộc trò chuyện.
5. Sử dụng ngôn ngữ phức tạp
Sử dụng ngôn ngữ phức tạp, từ ngữ quá khó hiểu hoặc thuật ngữ chuyên ngành khi nói chuyện với bé sẽ khiến bé gặp khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ. Hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng để bé có thể hiểu và nhắm mục tiêu vào việc xây dựng từ vựng cơ bản cho bé trước. Một cách khác, nếu như mẹ muốn truyền đạt từ ngữ phức tạp thì hãy mô tả từ ngữ ấy thông qua hình ảnh hoặc hành động minh họa. Con sẽ dễ dàng tiếp thu từ ngữ ấy hơn và học được cách nói nhanh hơn.
6. Thiếu kiên nhẫn và sự nhạy bén:
Khi dạy trẻ 2 tuổi tập nói, mẹ đừng để mất kiên nhẫn khi bé không nói hoặc không phát triển ngôn ngữ theo mong đợi của mình. Hãy hiểu rằng mỗi trẻ có thể phát triển theo tốc độ riêng, và một số trẻ có thể chậm hơn. Nếu mẹ dạy 2 – 3 lần mà con vẫn chưa thể nói thì hãy kiên nhẫn đọc lại thêm vài lần nữa. Nếu đọc nhiều lần con vẫn không thể nhớ thì mẹ hãy để sang ngày hôm sau dạy con tiếp mẹ nhé!
Mẹ hãy ghi nhớ điều quan trọng nhất là tạo một môi trường ủng hộ, yêu thương và khuyến khích bé tham gia vào việc học nói một cách tự nhiên và thoải mái.