Cơn giận dỗi là gì?
Cơn giận dỗi (hay còn gọi là tantrum) là một trong những biểu hiện thường xuất hiện khi trẻ lên 2, lên 3.
Cơn giận dỗi xuất hiện dưới hình hài những cơn tức giận với cường độ mạnh, thường đi kèm với hành vi la hét, giãy giụa, ném đồ đạc, hoặc thậm chí là đánh hay cắn những người ở gần.
Một số biểu hiện khác của cơn giận dỗi có thể gặp ở trẻ:
- Cảm xúc dao động với cường độ mạnh, trẻ vừa vui đó đã trở nên cáu giận và khóc thét.
- Trẻ nói "Không" với hầu hết những lời đề nghị của ba mẹ và bướng bỉnh làm theo cách riêng của mình.
- Trẻ muốn tự làm những chuyện "không vừa sức" và không đồng ý để người lớn giúp đỡ.
Những cơn giận dỗi cho thấy trẻ không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, chúng bộc phát một cách dữ dội và cũng khiến ba mẹ mất bình tĩnh.
Ở nhà, ở nơi công cộng hoặc ở trường, cơn giận dữ của trẻ có thể được kích hoạt bởi những tình huống sau đây:
- Giờ đi ngủ; Giờ ăn/ăn nhẹ; Giờ tắm.
- Khi sự chú ý của ba mẹ chuyển sang người hoặc đồ vật khác.
- Trẻ muốn chơi nhưng không được chơi.
- Chuyển tiếp từ nhiệm vụ/ hoạt động này sang nhiệm vụ/ hoạt động khác một cách đột ngột mà không có sự chuẩn bị.
- Trẻ không được thoả mãn nhu cầu của mình (làm những điều mà trẻ muốn).
- Mâu thuẫn giữa nhu cầu của ba mẹ và nhu cầu/ khả năng đáp ứng của trẻ.
Trẻ giận dỗi có phải là bất thường?
Đây là những biểu hiện xảy ra ở hầu hết các trẻ ở tuổi 2 và 3. Tình trạng này thường xuất hiện ít nhất 1 lần mỗi ngày, kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định rồi kết thúc. Các nhà khoa học gọi đây là một giai đoạn phát triển tất yếu và lành mạnh với trẻ. Trong giai đoạn này, trẻ dần học được cách quản lý cảm xúc và cư xử phù hợp. Ba mẹ không cần quá lo lắng và sợ trẻ hư hỏng, ba mẹ chỉ cần giữ được bình tĩnh và kiên nhẫn hướng dẫn trẻ bày tỏ cảm xúc và thể hiện mong muốn theo cách phù hợp hơn
Vì sao cơn giận dỗi thường xuất hiện ở giai đoạn trẻ 2 - 3 tuổi mà không phải ở lứa tuổi khác?
Trẻ giận dữ vì nhu cầu độc lập của trẻ không được thực hiện. Khi trẻ dần lớn, nhu cầu độc lập cũng ngày càng lớn hơn. Trẻ muốn có quyền quyết định và tự làm mọi chuyện, nhưng đôi khi trẻ còn quá nhỏ để có thể tự xúc cơm ăn hay băng qua đường. Khi ba mẹ giúp đỡ, trẻ sẽ trở nên giận dữ vì nhu cầu khám phá và tự lập của trẻ không được thoả mãn. Ví dụ như trẻ sẽ giằng tay khỏi tay ba mẹ và xông lên vạch qua đường.
Khi thất vọng, trẻ cũng thường dễ tức giận. Trẻ không chỉ vô cùng khó chịu khi ba mẹ can thiệp vào hành động của trẻ, trẻ còn dễ thất vọng và tức giận khi không làm được điều mình muốn. Ví dụ nhu khi tự xúc ăn, kỹ năng cầm muỗng của trẻ vẫn chưa hình thành nên cơm đổ hết ra ngoài, trẻ dần mất kiên nhẫn và nổi cơn thịnh nộ.
Trẻ không bộc lộ được cảm xúc và suy nghĩ nên giao tiếp với những người xung quanh bằng cơn giận và hành vi bướng bỉnh. Vào khoảng 2 - 3 tuổi, trẻ đã có thể nói thành tiếng và dùng ngôn ngữ để giao tiếp với người lớn. Tuy nhiên vốn từ và cách dùng câu của trẻ vẫn chưa thành thạo nên khó nói rõ suy nghĩ và bày tỏ cảm xúc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ cáu giận. Trẻ dùng tiếng khóc và hành vi để trò chuyện thay vì dùng lời nói.
Cơn giận và những hành động không phù hợp là cách trẻ thu hút sự chú ý của người lớn. Ba mẹ có để ý rằng khi trẻ bộc lộ cơn giận hoặc có những hành động quá đáng, ba mẹ sẽ chú ý đến trẻ nhiều hơn không? Trẻ nhỏ đồng nhất tình yêu thương với sự chú ý, ba mẹ chú ý đến trẻ nhiều có nghĩa là ba mẹ thương trẻ, nhất là trong những tình huống trẻ cảm thấy thiếu an toàn.
Khóc thét hoặc ném đồ vật cũng là một cách trẻ bộc lộ cảm xúc lo lắng và sợ hãi. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với thế xung quanh, dễ bị giật mình và hoảng hốt. Ví dụ như trẻ sợ người lạ, tiếng động lớn, những con vật,…hoặc trẻ cũng dễ lo lắng khi rời xa ba mẹ.
Sự giận dữ cũng là cách trẻ thể hiện sự khó chịu trên cơ thể. Ví dụ như trẻ đói, quần áo ẩm ướt hoặc vải cọ vào da trẻ,…
Cơn giận dỗi có nhiều nguyên nhân khác nhau. Ba mẹ cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ để kịp thời xoa dịu cảm xúc của trẻ, cũng như nhận diện được trẻ có đang phát triển theo đúng đặc điểm lứa tuổi hay chưa. Tìm hiểu về cơn giận dỗi cũng giúp ba mẹ giữ bình tĩnh tốt hơn khi đối mặt với tiếng hét và hành động chưa phù hợp của trẻ.